Vừa cho quà chứng khoán, dầu thô đã đòi lại

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu đã có phiên tăng ấn tượng cuối tuần qua nhờ giá dầu thô tăng vọt hơn 9%, nhưng trong phiên đầu tuần mới, dù giá rét vẫn bao trùm nước Mỹ, nhưng giá dầu thô quay đầu giảm mạnh, kéo chứng khoán giảm theo.
Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Trong phiên cuối tuần trước, thời tiết mùa Đông khắc nghiệt tại Mỹ và châu Âu, đặc biệt là cơn bão tuyết lịch sử ở bờ Đông của nước Mỹ đã giúp giá dầu thô tăng mạnh trong 2 phiên cuối tuần, vượt xa mốc 30 USD/thùng.

Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch đầu tuần, dù cơn bão tuyết vẫn gây khó khăn lớn cho bờ Đông nước Mỹ, nhưng nỗi lo về dư cung lại trở lại khiến giá dầu thô quay đầu giảm hơn 5%, kéo nhóm cổ phiếu đảo chiều theo và lấy gần hết những gì phố Wall đã có được trong phiên cuối tuần.

Ngoài ra, chờ đợi kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn sẽ được công bố trong tuần này cũng khiến giới đầu tư thận trọng, góp phần đẩy phố Wall đảo chiều.

Kết thúc phiên 25/1, chỉ số Dow Jones giảm 208,29 điểm (-1,29%), xuống 15.885,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 29,82 điểm (-1,56%), xuống 1.877,08 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 72,69 điểm (-1,58%), xuống 4.518,49 điểm.

Tương tự, giá dầu giảm mạnh trở lại cũng ảnh hưởng tới chứng khoán châu Âu, khiến chứng khoán khu vực này giảm điểm trong phiên đầu tuần sau 2 phiên tăng mạnh liên tiếp cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 25/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 23,01 điểm (-0,39%), xuống 5.877 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 28,73 điểm (-0,29%), xuống 9.736,15 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 25,36 điểm (-0,58%), xuống 4.311,33 điểm.

Trong khi đó, sự hưng phấn dường như chưa qua với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu. Tuy không còn tăng mạnh mẽ như phiên cuối tuần trước, nhưng chứng khoán châu Á vẫn được nhuộm sắc xanh khá đậm trong phiên giao dịch đầu tuần mới.

Kết thúc phiên 25/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản tăng 152,38 điểm (+0,9%), lên 17.110,91  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 259,63 điểm (+1,36%), lên 19.340,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 21,95 điểm (+0,75%), lên 2.938,51 điểm.

Như thường lệ, mỗi khi thị trường chứng khoán rung lắc, dòng tiền lại tìm tới kênh đầu tư trú ẩn an toàn là vàng, giúp giá kim loại quý này tăng mạnh trong phiên đầu tuần và một lần nữa vượt qua mốc 1.100 USD/ounce.

Hiện giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của Fed bắt đầu vào thứ Ba, kết thúc và đưa ra công bố vào thứ Tư theo giờ Mỹ. Do đó, vẫn còn đó chút thận trọng trong giao dịch của nhà đầu tư. Trong năm 2016, nhiều dự báo cho rằng, Fed sẽ có thêm 4 đợt tăng lãi suất nữa, nhưng sẽ không đưa ra quyết định trong cuộc họp này, mà kỳ vọng đợt tăng đầu tiên sẽ được đưa ra trong cuộc họp vào tháng 3.

Kết thúc phiên 25/1, giá vàng giao ngay tăng 9,9 USD (+0,9%), lên 1.107,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 7,1 USD (+0,65%), lên 1.105,3 USD/ounce.

Như đà đề cập ở trên, dù mùa Đông khắc nghiệt vẫn chưa qua và nhu cầu dầu sưởi ấm tăng, nhưng nhu cầu này không thấm vào đâu so với nguồn cung đang không ngừng gia tăng. Điều này khiến giá dầu thô quay đầu giảm mạnh trở lại trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 25/1, giá dầu thô Mỹ giảm 1,85 USD/thùng (-5,75%), xuống 30,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,68 USD (-5,51%), xuống 30,50 USD/thùng.

Tin bài liên quan