Vụ cháy tại London, “điềm báo trước” hay tiếng nói cư dân bị phớt lờ?

Vụ cháy tại London, “điềm báo trước” hay tiếng nói cư dân bị phớt lờ?

(ĐTCK) Thảm họa tại Grenfell Tower, trung tâm thủ đô London vẫn chưa được giải mã. Cho tới nay, chúng ta mới chỉ biết rằng ít nhất 6 người chết, 74 người bị thương, trong đó 20 người bị thương nặng. Với những sự cố nghiêm trọng như thế này, cần tới nhiều tháng, thậm chí hàng năm để toàn bộ câu chuyện được hé lộ và cần nhiều thời gian hơn nữa để các cá nhân (nếu có) phải chịu trách nhiệm vì thảm họa này.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng: các tiêu chuẩn phòng cháy tại tòa nhà này đã suy yếu theo thời gian và chủ đầu tư, giới chức đã không có mặt để bắt kịp thực tế này. Tệ hơn, tình trạng xuống cấp tại các khu nhà và lời kêu cứu của người dân đã bị phớt lờ, bị coi là những kẻ phiền nhiễu.

Vào năm 2016, một tổ chức dân cư tại Grenfell đã đăng lên một thông điệp mang tựa đề “Chơi với lửa” mà cho tới nay trở thành một thứ điềm báo trước đáng sợ. Theo họ, một đám cháy rất lớn tại tòa nhà, gây ra thương vong khủng khiếp là cách duy nhất để khiến chủ đầu tư công trình quay trở lại làm những điều đúng đắn hoặc đưa doanh nghiệp này ra công lý.

Đám cháy xảy ra tại Kensington, khu vực nổi tiếng thịnh vượng tại London với các bất động sản đắt đỏ trị giá hơn 1 triệu bảng Anh, nhưng nó không xảy ra tại các tòa nhà sang trọng. Nó diễn ra tại một tòa chung cư cao tầng dành cho dân cư.

Những người chịu trách nhiệm quản lý xã hội cho tòa nhà và khu vực đô thị này là Kensington and Chelsea Tenant Management Organisation (KCTMO), công ty hiện đang chịu trách nhiệm cho gần 10.000 bất động sản trên toàn quốc, đồng thời cũng là doanh nghiệp bị những người dân tại Grenfell Tower phàn nàn trong nhiều năm.

Hội cư dân tại Grenfell mang tên Grenfell Action Group đã từng thường xuyên cảnh báo về khả năng xảy ra các sự cố như đám cháy vừa diễn ra. Gần đây nhất, sau khi đám cháy xảy ra, tổ chức này cập nhật trên website của mình thông báo: “Các bạn đọc website này biết rằng chúng tôi đã đăng rất nhiều cảnh báo trong những năm gần đây về tình trạng phòng cháy chữa cháy rất kém tại tòa nhà Grenfell và các nơi khác thuộc quản lý của KCTMO. Tất cả những cảnh bảo này đều tới tai những kẻ điếc và chúng tôi dự báo rằng những thảm họa như vừa xảy ra là không thể tránh được, chỉ còn là vấn đề thời gian”.

Những cảnh báo về tình trạng thiếu an toàn mà hội dân cư tại Grenfell đưa ra bao gồm: thứ nhất, việc đóng một khu hầm để xe khiến chỉ còn một lối ra vào duy nhất, hạn chế lối thoát nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp. Đây cũng là lý do khiến xe cứu hỏa khó khăn hơn trong việc tiếp cận khi đám cháy xảy ra. Thứ hai, tình trạng điện bất ổn định kéo dài khiến các thiết bị điện trong gia đình thường xảy ra việc chập cháy.

Chưa kể, mới đây, tòa nhà Grenfell, vốn được xây dựng từ những năm 1970, đã được tân trạng lại bằng một số vật liệu hiện đại bọc bên ngoài để có cái nhìn bắt mắt hơn, phục vụ cho việc kinh doanh các bất động sản hạng sang xung quanh đó. Chính điều này được cho rằng đã khiến đám cháy tồi tệ hơn bởi các vật liệu này đã bắt lửa và khiến ngọn lửa lan ra nhanh chóng khắp các tầng nhà, đồng thời cản việc thoát ra bằng cửa sổ.

Hiện tại, nguyên nhân của đám cháy tại Grenfell vẫn chưa đc công bố và dự báo rằng sẽ mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, dù nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đám cháy là gì thì một trong những lý do quan trọng nhất là những phản ánh của cư dân đã bị chủ đầu tư, giới chức London phớt lờ.

Đây không phải lần đầu tiên khu vực này xảy ra cháy. Năm 2009, một khối nhà tại Lakanal House, phía nam London đã bốc cháy khiến 6 người thiệt mạng. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau đó, giới chức địa phương trì hoãn kế hoạch rà soát các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy tại các tòa nhà, bất chấp yêu cầu từ các cư dân tại đây. Một số vụ cháy khác cũng đã diễn ra, khiến người dân Anh không khỏi bức xúc vì những quy tắc an toàn không được thắt chặt và tiếng nói của người dân, người thuê nhà bị phớt lờ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan