Vỡ nợ quốc gia, các bài học trước ngày định mệnh của Hy Lạp

Vỡ nợ quốc gia, các bài học trước ngày định mệnh của Hy Lạp

(ĐTCK) Thứ Sáu (5/6) tới, cả thế giới sẽ biết liệu Hy Lạp có đạt được thỏa thuận về các khoản nợ nước ngoài của mình hay không? Việc thất bại trong việc trả khoản nợ đến hạn cho IMF sẽ "bóp cò" cho tình trạng vỡ nợ của Hy Lạp cũng như viễn cảnh trở thành quốc gia đầu tiên phải rút ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Các biến cố tương tự đối với nhiều quốc gia khác trong lịch sử có thể trở thành viễn cảnh tương lai đối với Hy Lạp. Các đồ thị dưới đây sẽ cho thấy những tác động mà một số quốc gia khác đã phải gánh chịu sau khi vỡ nợ cũng như những diễn biến tiếp theo đó.

Các biến cố được lựa chọn bao gồm: nước Nga rơi vào tình cảnh vỡ nợ năm 1998, Argentina năm 2001, nước Mỹ trong và sau sự sụp đổ của Lehman Brothers Holdings Inc năm 2008 và việc tái cấu trúc nợ năm 2012 của Hy Lạp.

Đối với Nga và Argentina, việc vỡ nợ đã khiến đồng tiền của mỗi nước tụt dốc không đáy.

Trong khi đối với USD Mỹ, kết quả lại phức tạp hơn. Hy Lạp là một phần của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, và tác động tới đồng tiền của nước này cũng là phức hợp.

Vỡ nợ quốc gia, các bài học trước ngày định mệnh của Hy Lạp ảnh 2
Đồ thị tiếp theo cho thấy những biến động của GDP mỗi nước. Hóa ra, việc vỡ nợ lại trở thành một trợ lực lớn cho Argentina và Nga, với sự bật tăng mạnh mẽ của GDP sau khi tụt giảm. Sự phục hồi đối với Mỹ và Hy Lạp lại diễn ra chậm hơn.

Vỡ nợ quốc gia, các bài học trước ngày định mệnh của Hy Lạp ảnh 3
Tỷ lệ thất nghiệp sau khi vỡ nợ của Argentina và Nga cũng cho thấy những ảnh hưởng có lợi của biến cố kinh tế này, trong khi tình hình việc làm tại Mỹ và Hy Lạp phải chịu nhiều gánh nặng do sự trì trệ của nền kinh tế.

Vỡ nợ quốc gia, các bài học trước ngày định mệnh của Hy Lạp ảnh 4
Trên thực tế, số phận của Hy Lạp sẽ khá cách biệt so với Argentina và Nga do Hy Lạp là một quốc gia thành viên của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, còn Arghentina và Nga sử dụng đồng tiền của riêng mình. Điều này có nghĩa, quốc gia này không thể có được lợi thế của việc đồng tiền nhanh chóng trở nên rẻ hơn nếu không rời khỏi EU trước.

George Magnus, chuyên gia tư vấn kinh tế cấp cao tại UBS Group AG ở London cho biết: “Rắc rối đối với Hy Lạp là việc vỡ nợ sẽ không đi kèm với sự mất giá của đồng tiền, do đó sẽ không giải quyết được vấn đề của sự tăng trưởng. Nếu Hy Lạp chọn vỡ nợ và vẫn ở trong khu vực sử dụng đồng tiền chung, lựa chọn phá giá đồng tiền sẽ không thể diễn ra, do vậy, không rõ Hy Lạp có thể tăng trưởng trở lại bằng cách nào”.

Tin bài liên quan