Theo số liệu báo cáo của Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung Quốc và Công ty nghiên cứu Rhodium Group, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Mỹ đã chạm mức trên 15 tỷ USD trong năm ngoái, ghi nhận mức cao kỷ lục mới và tăng gần 30% so với năm trước đó. Các chỉ dấu kể từ đầu năm đến nay cho thấy nhiều khả năng 2016 sẽ là một năm kỷ lục của các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào Mỹ.
Báo cáo khẳng định: “Trong năm 2016, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc thậm chí có thể tăng nhanh hơn so với các năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, cùng những lo ngại về sự mất ổn định của tỷ giá đồng Nhân dân tệ là những nhân tố thúc đẩy nhịp độ các thương vụ mua bán - sáp nhập của Trung Quốc ở nước ngoài kể từ giữa năm 2015”.
Một phần đáng kể nguồn vốn chảy khỏi Trung Quốc đã tìm được nơi “định cư” mới là thị trường Bắc Mỹ. Từ đầu năm đến nay, đã có 72 thương vụ (bao gồm cả mua bán và sáp nhập) có giá trị trên 7,5 tỷ USD đã được hoàn tất và 27 thương vụ mới có giá trị trên 33 tỷ USD đang hướng tới các công ty có trụ sở tại Mỹ. Con số này lớn hơn nhiều so với chỉ 59 thương vụ với giá trị 2,9 tỷ USD ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu thu thập của S&P Capital IQ.
Không chỉ số lượng thương vụ, mà bản thân quy mô của các giao dịch này cũng tăng mạnh so với những năm trước. Giá trị thương vụ được công bố từ đầu năm đến nay ở mức trung bình 1,5 tỷ USD, gấp 8 lần so với năm ngoái. Thêm vào đó, trong số 27 thương vụ công bố hồi năm ngoái, 5 trong số đó có giá trị vượt mức 1 tỷ USD và bao gồm các giao dịch thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư, như vụ mua lại chuỗi khách sạn hạng sang Strategic Hotels & Resorts của Tập đoàn bảo hiểm Anbang Insurance Group với giá 8,2 tỷ USD, Ingram Micro của Tianjin Tianhai Investment với giá 7,2 tỷ USD và GE Appliances của Qingadao Haier với giá 5,4 tỷ USD.
Dòng chảy tiền của Trung Quốc vào Mỹ những năm gần đây cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng đầu tư toàn cầu. Đối với các công ty tài sản cá nhân, vốn có truyền thống tập trung vào mua và bán các công ty Mỹ và châu Âu, thì các khách hàng Trung Quốc chính là lựa chọn đáng quan tâm.
“Không giống như trước đây, chúng tôi đang bắt đầu tìm kiếm các khách mua Trung Quốc, do số lượng các khoản đầu tư của các công ty Đại lục tại Mỹ tăng đáng kể”, Abhaya Shrestha, Giám đốc công ty tài sản tư nhân Corinthian Capital LLC tại New York (Mỹ) cho biết.
Dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trên thực tế đã bắt đầu từ giai đoạn đầu thập niên 2000, trong đó chủ yếu đổ vào các công ty hàng hóa tại Úc và Canada và hiện đã lan rộng ra nhiều quốc gia và lĩnh vực khác nhau, như du lịch và dịch vụ nhà hàng – khách sạn.
Sự bùng nổ công nghệ tại Mỹ và nỗ lực tiếp cận các công ty công nghệ cao tại Mỹ cũng là một trong những động lực thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc hướng tới các công ty công nghệ trong những năm gần đây. Trong số 72 thương vụ hoàn tất kể từ đầu năm đến nay, 39 thương vụ có liên quan tới các công ty công nghệ, có trị giá trên 2 tỷ USD, như vụ Xiaomi mua lại một số danh mục sáng chế của Intel hay CITIC Capital mua OmniVision Technologies vừa qua.
Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng, những biến động chính trường tại Mỹ trong thời gian tới, đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra cuối năm nay, có thể tạo ra những rủi ro đối với dòng vốn đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, tạo ra sự dịch chuyển nguồn vốn này tới một số nền kinh tế phát triển khác tại châu Mỹ và châu Âu.