Kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi trong quý III này

Kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi trong quý III này

Vì sao trái phiếu Nhật Bản đang trở nên hấp dẫn?

(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) dự kiến sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào cuối tháng này, song lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài của nước này hiện đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua và đang trở thành một tài sản hấp dẫn giới đầu tư.

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm của Nhật Bản hiện dao động quanh ngưỡng 0,52%/năm, tăng rất mạnh so với mức chỉ khoảng 0,044%/năm hồi cuối tháng 7 vừa qua, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm dù vẫn trong ngưỡng âm, song đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 năm nay.

Đây thực sự là những tín hiệu đảo chiều đáng chú ý kể từ khi BoJ “gây sốc” thị trường hồi đầu năm thông qua việc áp dụng chính sách lãi suất âm 0,1%/năm. BoJ hiện sở hữu khoảng 35% tổng thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản, như là một phần trong chương trình nới lỏng định lượng của nước này, nhằm thu mua tài sản để tăng lượng tiền cơ sở lên mức bình quân hàng năm 80.000 tỷ yen (khoảng 770 tỷ USD), qua đó kéo lợi suất trái phiếu trong ngưỡng kiểm soát.

Nizam Idris, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Chiến lược tiền tệ tại Macquarie cho rằng, sự gia tăng lợi suất trái phiếu có thể là do xuất phát từ kế hoạch của BoJ nhằm đánh giá một cách toàn diện chính sách tiền tệ tại cuộc họp sắp tới.

“BoJ đã khiến thị trường kỳ vọng về một số động thái của họ, đơn giản vì họ cho biết sẽ có những đánh giá toàn diện về hiệu quả của chính sách tiền tệ. Điều quan trọng là làm thế nào để tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ mà không tạo ra các phản ứng tiêu cực từ thị trường”, Nizam khẳng định.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, Nhật Bản cũng có thể cắt giảm lãi suất sâu hơn, sau đó chuyển hướng từ mua vào trái phiếu có kỳ hạn dài sang các loại trái phiếu có kỳ hạn ngắn hơn, nhằm xoa dịu những khó khăn đối với hệ thống ngân hàng.

Chia sẻ quan điểm trên, Giám đốc điều hành hãng quản lý tài sản và quỹ ETF Wisdom Tree Japan, Jesper Koll nhận định, BoJ thực sự muốn vận hành một chính sách đem lại những ý nghĩa tích cực cho hệ thống ngân hàng Nhật Bản. Điều đó đồng nghĩa với việc BoJ sẽ muốn duy trì một “đường cong lãi suất” theo hướng dốc đứng, chứ không phải là bằng phẳng.

Vẫn chưa rõ liệu lợi suất trái phiếu tăng mạnh như hiện nay sẽ kéo dài trong bao lâu, song trong một báo cáo công bố tuần trước, Ngân hàng Deutsche Bank khuyến cáo rằng, “đường cong lợi suất trái phiếu” tăng là một cơ hội tốt để mua vào, khi dự báo thị trường sẽ cần tìm một nơi “trú ẩn an toàn” trước khả năng giá trái phiếu chính phủ Nhật Bản sẽ còn tiếp tục tăng mạnh sau cuộc họp của BoJ.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng có thể tăng tốc hoạt động nới lỏng định lượng (QE), từng bước thay thế mục tiêu cung tiền 80.000 tỷ yen/năm sang ngưỡng dao động 70.000-90.000 tỷ yen. Điều này sẽ cho phép BoJ nắm quyền kiểm soát lợi suất trái phiếu chính phủ có kỳ hạn dài và sẵn sàng cắt giảm hoạt động mua tài sản khi cần thiết.

Một điểm đáng chú ý khác, theo Giám đốc Koll, đó là kinh tế Nhật Bản đang có dấu hiệu phục hồi trong quý III này, sau giai đoạn tăng trưởng không như ý trong quý II. Có những bằng chứng rõ ràng cho thấy, việc thắt chặt trên thị trường lao động đang bắt đầu có tác động tích cực tới hoạt động trong nước.

Nghiên cứu độc lập của Deutsche Bank cũng cho thấy, trong vòng 4 tháng tính tới tháng Bảy vừa qua, lực lượng lao động Nhật Bản đã tăng thêm tổng cộng 790.000 người, kéo tỷ lệ thất nghiệp của nước này xuống mức 3%.

Một số nhà kinh tế đã tăng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Nhật Bản. Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s cho rằng, kinh tế “đất nước mặt trời mọc” có thể tăng trưởng tương ứng 0,6% và 0,7% trong năm 2016 và 2017, cao hơn so với mức tăng trưởng dự đoán chỉ 0,4% được đưa ra trước đó, nhờ các kế hoạch kích thích tài khóa và chương trình nới lỏng định lượng hơn nữa của BoJ.

Tin bài liên quan