Ảnh Internet

Ảnh Internet

Vì sao MSCI lại chọn chứng khoán Trung Quốc?

(ĐTCK) Việc chỉ số chứng khoán Trung Quốc được MSCI thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi tiêu chuẩn đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu hút các nguồn tài chính quốc tế đổ vào thị trường lớn thứ hai thế giới này.

Giới phân tích nhận định, Trung Quốc có thể đón dòng tiền lên tới 17 - 18 tỷ USD chảy vào thị trường chứng khoán, một khi các cổ phiếu loại A của Đại lục hoàn tất quá trình bổ sung vào rổ chỉ số thị trường mới nổi tiêu chuẩn (MSCI Emerging Markets Index) vào năm sau.

Cụ thể, 222 mã cổ phiếu loại A của Trung Quốc sẽ được đưa vào chỉ số này,  mức cao hơn so với đề xuất 169 mã cổ phiếu ban đầu, trong đó có một số tên tuổi lớn như Bank of China, Ping An Insurance hay SAIC Motor. Quá trình này diễn ra trong hai giai đoạn: giai đoạn 1 diễn ra vào tháng 5/2018, giai đoạn 2 vào tháng 8/2018.

Dù chỉ chiếm tỷ trọng 0,73% trong chỉ số MSCI, song đây được coi là bước ngoặt thành công, giúp nâng cao vị thế của Trung Quốc trên thị trường tài chính toàn cầu.

Karine Hirn, chuyên gia nghiên cứu các thị trường đang nổi tại East Capital khẳng định, cổ phiếu Trung Quốc có thể chiếm tỷ trọng cao hơn nữa trong rổ chỉ số MSCI về dài hạn.

Thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu Trung Quốc hiện được đánh giá là lớn thứ hai và thứ ba thế giới, song quy mô của khối ngoại thấp, chỉ hơn 2% quy mô của tổng thị trường. Vì vậy, quyết định của MSCI sẽ mở ra một “mặt trận” mới cho các nhà đầu tư để tiếp tục đưa chứng khoán Trung Quốc tiếp cận rộng rãi hơn trong danh mục đầu tư quốc tế, đồng thời củng cố niềm tin trong ngắn hạn đối với các cổ phiếu loại A của Trung Quốc.

Giám đốc điều hành MSCI kiêm Chủ tịch Ủy ban Chính sách chỉ số MSCI, Remy Briand cho biết: “Các nhà đầu tư quốc tế đã đánh giá những thay đổi tích cực trong việc tiếp cận thị trường cổ phiếu loại A của Trung Quốc trong vài năm qua”.

Quyết định của MSCI được đưa ra có sự đóng góp không nhỏ từ thành công của chương trình liên kết cổ phiếu hạng A giữa Đặc khu hành chính Hong Kong với Thượng Hải và Thâm Quyến.

Chia sẻ về quan điểm này, Helen Wong, người đứng đầu bộ phận quản lý thị trường của HSBC tại Trung Quốc cho rằng: “Đây thực sự là sự khởi đầu của quá trình, trong đó chứng khoán Trung Quốc sẽ giành được sự quan tâm lớn hơn nữa trong danh mục đầu tư của giới đầu tư toàn cầu, phản ánh quy mô và tầm quan trọng của thị trường chứng khoán và nền kinh tế Trung Quốc”.

Nếu Trung Quốc tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư quốc tế, nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa trung bình (mid-cap) cũng có thể được bổ sung vào chỉ số MSCI. Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ có tỷ trọng 1,4% trong tổng chỉ số và dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán nước này có thể tăng gấp đôi lên ngưỡng 30 - 35 tỷ USD.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn tỏ ra thận trọng về bức tranh “màu hồng” của chứng khoán Trung Quốc. Kể từ đầu năm đến nay, mức tăng của chỉ số chứng khoán Shanghai Composite chỉ cao hơn 1%, tức là thấp hơn rất nhiều so với mức tăng tương ứng 18% của chỉ số iShares Emerging Markets ETF (EEM) hay mức tăng 9% của chỉ số S&P 500 tại Mỹ.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư chưa hết lo ngại về năng lực quản trị của các cơ quan quản lý chứng khoán và cách mà Bắc Kinh vận hành thị trường.

Những lo ngại đặc biệt nổi lên từ sau năm 2015, thời điểm hơn một nửa mã cổ phiếu của thị trường chứng khoán Trung Quốc phải tạm dừng giao dịch khi bong bóng chứng khoán vỡ.

Bản thân MSCI cũng cảnh báo thêm rằng, Trung Quốc không được dừng lại và cần tiếp tục cải cách thị trường cổ phiếu hơn nữa, tương ứng với các tiêu chuẩn giao dịch và năng lực tiếp cận quốc tế, nếu muốn tiếp tục đưa thêm cổ phiếu vào chỉ số MSCI.

Tin bài liên quan