Một đường ống dẫn khí đốt của Nga tại Ukraine

Một đường ống dẫn khí đốt của Nga tại Ukraine

Vì sao kinh tế Nga và Ukraine không thể tách rời?

(ĐTCK) Mặc dù hiện tại, giữa Nga và Ukraine đang có những bất đồng khó có thể hòa giải về địa chính trị, nhưng mối liên kết của nền kinh tế giữa 2 nước vẫn luôn được duy trì và có ảnh hưởng rất lớn tới mọi động thái của chính phủ 2 bên. Không chỉ gắn kết nhau bởi vị thế địa lý liền kề, nền kinh tế Nga và Ukraine còn gắn bó mật thiết bởi các đầu mối kinh tế có liên quan chặt chẽ.

Đối tác thương mại lâu đời

Có chung 1.500 km đường biên giới rộng lớn, các mối liên kết kinh tế giữa 2 nước có vai trò quan trọng đối với cả kinh tế đối ngoại và mối quan hệ chính trị giữa Ukraine và Nga. Ngay cả khi không tính tới vai trò chìa khóa của Ukraine khi là quốc gia trung chuyển dầu khí từ Nga tới khu vực Liên minh châu Âu, thì cả 2 nước vẫn có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau 1 cách mật thiết.

Ukraine hầu như ít có những nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga, cho tới tận cuộc khủng hoảng địa chính trị gần đây.

Trong năm 2013, sản phẩm sản xuất tại Ukraine chiếm 5% lượng sản phẩm nhập khẩu của Nga, điều này biến Ukraine trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong số các nước Xô viết cũ. Thêm vào đó, năm 2013, 24% sản phẩm xuất khẩu của Ukraine là sang Nga.

Vì sao kinh tế Nga và Ukraine không thể tách rời? ảnh 1

Một phần đường biên giới Nga và Ukraine 

Gắn kết về năng lượng

Kể từ khi trở thành quốc gia độc lập, Ukraine dường như hoàn toàn tin tưởng vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Ukraine vẫn duy trì nhập khập hơn 50% lượng khí đốt cần dùng từ Nga. Chính sự phụ thuộc vào năng lượng này đã giúp Nga có những ảnh hưởng chính trị nhất định lên chính quyền Kiev.

Trong hơn 1 thập kỷ qua, chính phủ Nga sử dụng giá khí đốt và các đe dọa cắt nguồn cung dầu khí nhằm tạo áp lực lên chính quyền Kiev, đặc biệt là trong năm 2014. Việc Ukraine quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nhu cầu năng lượng lớn trong nước, luôn nhận được những ưu đãi về giá từ phía Nga và sự quản lý yếu kém của giới chức nước này.

Tuy nhiên, Ukraine cũng giữ vai trò quan trọng, bởi quốc gia này là điểm trung chuyển dầu khí từ Nga sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Cả Nga và Ukraine hiện này đều phải chịu áp lực lớn vì suy thoái kinh tế. Ukraine bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, trong khi kinh tế Nga phải chịu đựng việc giá dầu sụt giảm mạnh và các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tuy nhiên, xét về kích thước nền kinh tế cũng như những nguồn lực nội tại, Nga chắc chắn ở vị thế tốt hơn để xử lý khủng hoảng kinh tế tại nước này.

Vì sao kinh tế Nga và Ukraine không thể tách rời? ảnh 2

Sơ đồ các đường dẫn khí đốt của Nga qua Ukraine 

Gắn kết về công nghiệp quốc phòng

Một trong những mối liên kết quan trọng nhất và cũng là phức tạp nhất giữa Nga và Ukraine chính là sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Nền công nghiệp Ukraine từng giữ vị trí then chốt dưới thời Liên bang Xô viết cũ, khi các thành phố công nghiệp phía đông Ukraine giữ vai trò là nguồn cung cấp các thiết bị quân sự như tên lửa xuyên lục địa, các bộ phận của máy bay chiến đấu, và đặc biệt là các vũ khí quân sự. Khi Liên bang Xô Viết tan rã, những mối liên kết tại ngành công nghiệp quốc phòng này vẫn được duy trì. Nga vẫn phải phụ thuộc vào nguồn xuất khẩu từ Ukraine các thành phần quan trọng trong rất nhiều hệ thống vũ khí, bao gồm cả động cơ cho trực thăng chuyên chở của Nga.

Khi nội chiến tại Ukraine bùng phát, việc xuất khẩu các thiết bị quân sự từ Ukraine sang Nga bị hạn chế. Chính quyền Kiev lo ngại rằng việc xuất khẩu này có thể làm tổn hại tới chủ quyền của Ukraine. Tháng 6/2014, Tổng thống Poroshenko đã ký sắc lệnh tạm ngừng việc hợp tác với Nga trong lĩnh vực công nghiệp quân sự, và điều này khiến Nga không thể nhập được các thiết bị cần thiết của mình. Chính phủ Nga ước tính sẽ cần tới gần 1 tỷ USD để bù đắp những thiệt hại từ việc không thể nhập khẩu các thiết bị quân sự từ Ukraine.

Đương nhiên lệnh cấm xuất khẩu của Ukraine cũng ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này, mà thiệt hại nặng nhất chính là những nhà xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Ukraine.

Nền kinh tế vẫn phụ thuộc lẫn nhau ngay trong cuộc chiến

Ngay cả khi Ukraine và Nga không trực tiếp giao tranh, những xung đột địa chính trị giữa 2 nước vẫn khiến nền kinh tế cũng như những mối liên kết kinh tế, như công việc kinh doanh tư nhân, bị tổn hại. Mối giao thương giữa 2 nước bị tàn phá lần đầu tiên khi Nga ra lệnh cấm nhập nhập một số loại hàng hóa nhất định từ Ukraine mùa hè năm 2013, bước đi mà chính phủ Nga cho rằng không hề có mục đích chính trị. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định đây là hành động mà Nga muốn “dằn mặt” Ukraine khi nước này tiến tới các thỏa thuận đàm phán tự do thương mại với EU.

Kể từ khi cựu Tổng thống Yanukovych bị lật đổ và những xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết, cả 2 nước liên tục “tung đòn” vào đối phương với các lệnh cấm vận lẫn nhau.

Sau khi sáp nhập Crimea, Nga xóa bỏ các cam kết cung cấp khí đốt trước đây cho Ukraine, cắt nguồn cung gas khi chính phủ Kiev từ chối trả giá cao hơn. Trước hành động này, Ukraine lập tức đáp trả.

Đầu năm 2015, các quan chức cấp cao của Kiev, bao gồm cả Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đưa ra tuyên bố Ukraine sẽ sử dụng mọi nguồn cung khí đốt có thể huy động được, mà không cần nhập khẩu từ Nga. Thêm vào đó, chính quyền Kiev đưa ra kế hoạch nhập khẩu 60% nguồn năng lượng từ các nước châu Âu kể từ 2015, và vẫn duy trì nhập khẩu 40% từ Nga.

Tuy vậy, hiện tại, ngay khi xung đột đang diễn ra, Liên bang Nga vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Giao thương với Ukraine chiếm 19% tổng lượng sản phẩm xuất khẩu của Ukraine và chiếm 25% lượng nhập khẩu. Chính bởi vậy, Nga chiếm thị phần lớn nhất trong tất cả các đối tác thương mại của Ukraine.

Một tương lai mở

Không kể tới những xung đột giữa Nga và Ukraine trong mối quan hệ tay đôi, hay xu hướng nền kinh tế hiện tại đang nghiêng về phương Tây, việc nền kinh tế của Ukraine có mối quan hệ tự nhiên mật thiết với Nga là kết quả của việc có chung một đường biên giới kéo dài, sự gắn kết về lịch sử và các mối liên hệ về kinh tế.

Với việc Ukraine đang thực hiện các đàm phán tự do thương mại với EU, các nước châu Âu sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong việc phát triển kinh tế của Ukraine. Một phần thị phần kinh tế Ukraine bị mất đi từ Nga sẽ được các nước EU lấp đầy. Ví dụ như, Motor Sich, nhà sản suất động cơ máy bay của Ukraine hiện đang trong quá trình thay đổi đối tượng xuất khẩu từ Nga sang các thị trường khác, bằng cách ký hợp đồng với Austrian và Nam Phi.

Cho dù nền kinh tế Ukraine đang chuyển hướng, thật khó để hình dung khi Nga không còn duy trì vai trò quan trọng trong kinh tế đối ngoại với Ukraine. Một số chuyên gia vẫn giữ vững nhận đinh, mối giao thương giữa Ukraine và Nga sẽ sớm phục hồi trong dài hạn.

Tin bài liên quan