Vì sao khủng hoảng kinh tế Hy Lạp chưa kết thúc?

Vì sao khủng hoảng kinh tế Hy Lạp chưa kết thúc?

(ĐTCK) Trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với hàng loạt sức ép, từ cuộc khủng hoảng người di cư, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, cho đến chia rẽ chính trị sau sự kiện cử tri vương quốc Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), giới phân tích cho rằng, không nên lãng quên cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị mà Hy Lạp vẫn chưa thoát khỏi.

Đã một năm kể khi “xứ sở các vị thần” nhận gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (96,1 tỷ USD), sau những đàm phán căng thẳng giữa Athen và các nhà cho vay, tình thế hiện nay tại Hy Lạp vẫn rất xấu và nhiều người dân nước này phải sống trong cảnh khắc khổ.

Chính phủ Hy Lạp buộc phải cắt giảm chi tiêu như là một phần để nhận các chương trình giải cứu. Việc “thắt lưng, buộc bụng” đã tác động nặng nề tới các tầng lớp xã hội, khi tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp tăng lên mức cao nhất tại châu Âu.

Theo khảo sát độc lập do Công ty Phân tích DiaNEOsis thực hiện trong tháng Sáu vừa qua, rất nhiều người dân Hy Lạp đang phải đối mặt với gánh nặng tài chính. Tỷ lệ đói nghèo trong tổng dân số 11 triệu người của Hy Lạp đã tăng từ mức 2,2% năm 2009 lên 15% năm 2015, tương đương 1,6 triệu người.

Rõ ràng, khủng hoảng kinh tế đã lan rộng không chỉ từ quy mô toàn quốc, mà đã len lỏi tới từng địa phương nhỏ tại quốc gia này. Người dân Hy Lạp đang đánh mất niềm tin và giờ chỉ còn mục tiêu duy nhất là cùng với gia đình mình vượt qua những khó khăn kinh tế. Hệ quả là, xã hội Hy Lạp bị phân mảnh sâu sắc.

Tháng 1/2015, Chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử với cam kết nói “không” với các biện pháp khắc khổ. Nhưng sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng với các chủ nợ châu Âu, ông Tsipras vẫn buộc phải nhận gói giải cứu thứ ba, bất chấp phần lớn người dân Hy Lạp kiên quyết phản đối và sẵn sàng lựa chọn rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Sự lưỡng lự của Thủ tướng Tsipras thực sự khiến tình thế trở nên tồi tệ hơn, khi các nhà cho vay áp đặt các biện pháp cải tổ và yêu cầu cắt giảm chi tiêu công mạnh mẽ hơn. Ngoài việc phải cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực trọng yếu như quốc phòng, giới chủ nợ còn buộc Hy Lạp phải đạt được mục tiêu thặng dư ngân sách 3,5% vào năm 2018, đồng thời số thặng dư này sẽ được dùng để trả dần các khoản nợ đã vay.

Chưa hết, Hy Lạp còn phải cải cách hệ thống thuế, thị trường lao động và các quỹ lương hưu, qua đó đảo ngược toàn bộ khu vực lương hưu “hào phòng” mà nước này từng thực hiện, đồng thời tăng tuổi về hưu của người lao động.

Ước tính, tỷ lệ nợ/GDP của Hy Lạp hiện ở mức 180% GDP, đồng nghĩa quốc gia này vẫn là một trong những nền kinh tế có mức nợ nần cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, số liệu mới nhất cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp vẫn ở mức cao 23,3% vào tháng Tư năm nay (mức cao nhất trong EU).

Tại nhiều thành phố nhỏ, người ta chỉ còn bắt gặp công dân ở độ tuổi trên 60 hoặc dưới 20. Điều này cho thấy, không ít dân số trong độ tuổi lao động đã rời bỏ nước này và tìm kiếm cơ hội ở những nền kinh tế châu Âu khác.

Bên cạnh đó, sự bất mãn của người lao động trong khu vực tư nhân là một vấn đề mà Chính phủ nước này không dễ có thể giải quyết, khi họ cho rằng, lao động trong khu vực nhà nước đang được đối xử quá hào phóng.

Dù sao đi nữa, Hy Lạp vẫn còn chút hy vọng để bấu víu. Cuối tuần trước, quốc gia này bất ngờ thông báo GDP tăng trưởng 0,3% trong quý II, vượt xa dự đoán suy giảm 0,2% mà giới phân tích đưa ra. Hy Lạp cũng điều chỉnh lại số liệu kinh tế quý I, với mức sụt giảm chỉ là 0,1% so với con số 0,5% trước đó. Tuy nhiên, kinh tế Hy Lạp vẫn sụt giảm 0,7% trong quý II vừa qua nếu so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thủ đô Athens, nơi hàng trăm nghìn người từng xuống đường biểu tình phản đối chính sách khắc khổ hè năm ngoái, bầu không khí đã yên bình hơn. Bất chấp tỷ lệ thất nghiệp cao, ngành du lịch vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực. Các khách sạn và nhà nghỉ ở những địa điểm du lịch nổi tiếng vẫn thu hút khách quốc tế. Người lao động trong ngành du lịch cảm thấy an tâm hơn khi công việc của họ được đảm bảo. Có lẽ, đây là một trong ít những lĩnh vực mà khủng hoảng kinh tế chưa chạm tới.

Tin bài liên quan