Ảnh minh họa: AFPT

Ảnh minh họa: AFPT

Vàng, dầu và chứng khoán đua sắc xanh

(ĐTCK) Với nhiều lý do khác nhau, chứng khoán toàn cầu tràn ngập sắc xanh, trong khi vàng cũng đảo chiều tăng mạnh và dầu tiếp tục tăng giá trong phiên cuối tuần.

Theo dữ liệu vừa công bố, giá nhà ở của Mỹ trong tháng 3 giảm 0,3%, phù hợp với dự báo của giới phân tích. Trong tuần tới, phiên đầu tuần sẽ không có thông tin kinh tế nào tác động tới thị trường được công bố, những ngày sau đó thị trường sẽ chịu ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lần lượt được công bố, bắt đầu từ với JPMorgan Chase và Intel vào thứ Ba, cũng như phát ý kiến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi các dữ liệu gồm doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp, lạm phát và dữ liệu về nhà ở được công bố.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý này được dự báo không khả quan với lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp thuộc S&P 500  được dự đoán giảm 4,7% và quý II giảm 2,7%, theo FactSet, còn theo Thomson Reuters quý I giảm 2,8%. Lý do lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ giảm là bởi đồng USD tăng quá mạnh sau những đồn đoán Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 vừa qua (nhưng điều này đã không xảy ra).

Trở lại với phiên giao dịch cuối tuần, phố Wall tiếp tục duy trì sắc xanh khi nhà đầu tư kỳ vọng vào tương lai của thị trường với các thương vụ M&A khủng và giá dầu hồi phục, bất chấp khả năng lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm. Theo dự đoán của giới phân tích và nhà đầu tư, sau thương vụ Shell mua lại BG Group của Anh với giá 69 tỷ USD, sẽ có nhiều thương vụ khác trong lĩnh vực năng lượng.

Ngoài ra, thông tin GE tái cấu trúc GE Capital bao gồm cả việc bán hầu hết tài sản của công ty này và sẽ lên kế hoạch chương trình mua lại 50 tỷ USD cổ phiếu cũng là thông tin hỗ trợ tích cực cho phố Wall. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu có tín hiệu tích cực cũng hỗ trợ cho đà tăng của chứng khoán.

Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần và giao dịch dưới mức 13.

Về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6, hiện có nhiều quan điểm trái chiều trong giới lãnh đạo của cơ quan này.

Jeffrey Lacker Chủ tịch Fed Richmond từ lâu kêu gọi thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng và tiếp tục lặp lại quan điểm của mình trong ngày thứ Sáu rằng, chi tiêu của người tiêu dùng, thị trường lao động và điều kiện kinh tế khác đã được cải thiện đáng kể so với năm ngoái, đủ để áp đặt một mức tăng tháng 6.

Trong khi đó, Tổng thống Fed Minneapolis, Narayana Kocherlakota lại cho rằng, tăng lãi suất sẽ là "một cách sai lầm" để đẩy nền kinh tế Mỹ đi xuống.

Theo Kocherlakota, lãi suất cao hơn sẽ làm tổn thương chi tiêu và các khoản vay. Hiện niềm tin của người tiêu dùng mới đang bắt đầu cho thấy dấu hiệu hồi phục. Kocherlakota là một trong hai nhà hoạch định chính sách của Fed muốn Ngân hàng Trung ương phải chờ đến năm sau để tăng lãi suất.

Một số nhà phân tích thị trường mong đợt các đợt tăng lãi suất sẽ chỉ nhỏ giọt và diễn ra trong nhiều lần, chứ không tăng mạnh một vài lần gây sốc cho thị trường.

Kết thúc phiên 10/4, chỉ số Dow Jones tăng 98,92 điểm (+0,55%), lên 18.057,65 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,88 điểm (+0,52%), lên 2.102,06 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 21,41 điểm (+0,43%), lên 4.995,98 điểm.

Với 3 phiên tăng và 1 phiên điều chỉnh duy nhất hôm thứ Tư, phố Wall đã có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp với mức tăng mạnh hơn tuần trước. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,66%, chỉ số S&P 500 tăng 1,7% và chỉ số Nasdaq tăng 2,37%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoài thông tin M&A trong lĩnh vực năng lượng, công nghệ, thì việc đồng euro giảm mạnh trong phiên cuối tuần, xuống mức 1,06 so với đồng USD đã giúp chứng khoán khu vực này tiếp tục tăng mạnh lên mức cao mới. Trong đó, chứng khoán Anh và Đức tiếp lập đỉnh cao lịch sử, còn chứng khoán Pháp cũng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Các chiến lược gia nói răng, với mức giảm 10% của đồng euro trong rổ tiền tệ, sẽ giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp châu Âu tăng thêm 6-8%. Hiện đồng euro giảm khoảng 16% so với năm trước, như vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể tăng 10-13%.

Kết thúc phiên 10/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 74,41 điểm (+1,06%), lên 7.089,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 208,29 điểm (+1,71%), lên 12.374,73 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 31,51 điểm (+0,60%), lên 5.240,46 điểm.

Với sự hỗ trợ từ thông tin M&A, chứng khoán châu Âu đã có tuần tăng điểm trọn vẹn và giúp chứng khoán Anh có được tuần tăng trở lại, trong khi chứng khoán Đức và Pháp có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 3,75%, chỉ số DAX tăng 3,4% và chỉ số CAC 40 tăng 3,28%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đã gặp khó khăn trước ngưỡng cản tâm lý 20.000 điểm, nên bị đẩy lùi nhẹ trở lại, nhưng vẫn giữ được mức tăng khá trong tuần. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục thăng hoa trong phiên cuối tuần. Với 3 phiên nhảy vọt cuối tuần, chứng khoán Hồng Kông đã leo lên mức cao nhất 7 năm và có tuần tăng mạnh nhất trong 3 năm. Mức tăng kỷ lục của chứng khoán đặc khu này nhờ vào việc các nhà đầu tư đại lục bơm tiền mạnh khi liên tục sử dụng hết hạn mức cho phép trong ngày 1,7 tỷ USD trong đề án kết nối giữa 2 sở GDCK Hồng Kông và Thượng Hải.

Charles Li, Giám đốc Sở GDCK HKEx cho biết, cơ quan quản lý đã thảo luận để nâng hạn ngạch trong thời gian tới.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc cũng nhanh chóng lấy lại đà tăng mạnh trong phiên cuối tuần sau phiên điều chỉnh trước đó, bất chấp dữ liệu kinh tế vừa công bố không khả quan. Phiên tăng mạnh cuối tuần, giúp chỉ số Shanghai Composite vượt ngưỡng 4.000 điểm.

Kết thúc phiên 10/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 30,09 điểm (-0,15%), xuống 19.907,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 328 điểm (+1,22%), lên 27.272,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 76,78 điểm (+1,94%), lên 4.034,31 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,43%, trong khi chỉ số Hang Seng tăng tới 7,9% và Shanghai Composite cũng tăng 4,41%.

Trên thị trường vàng, thông tin tác động mạnh tới kim loại quý này là sức mạnh của đồng USD. Chỉ số đồng USD, đo hoạt động của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ có tuần tăng đầu tiên trong tháng 4, với mức tăng 2%.

Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, giới đầu tư đã tích cực mua mạnh, giúp giá vàng đảo chiều tăng mạnh và một lần nữa vượt qua được ngưỡng cản 1.200 USD/ounce. Cơ sở để giới đầu tư tự tin mua vào là kỳ vọng vào nhu cầu vàng vật chất từ Ấn Độ khi thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới này bước vào kỳ nghỉ quan trọng. Bên cạnh đó, giữa tuần tới, Trung Quốc cũng công bố GDP quý I và Mỹ sẽ công bố một số dữ liệu kinh tế quan trọng với dự báo không mấy khả quan, khi đó sẽ làm cho khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 6 sẽ ít đi.

Kết thúc phiên 10/4, giá vàng giao ngay tăng 13,8 USD (+1,16%), lên 1.207,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 14,2 USD/ounce (+1,19%), lên 1.207,8 USD/ounce.

Dù có 3 phiên giảm liên tiếp đầu tuần, nhưng với chỉ phiên hồi mạnh cuối tuần đã giúp vàng có được tuần tăng giá thứ 4 liên tiếp. Trong đó, giá vàng giao ngay tăng 0,44%, giá vàng giao tháng 6 tăng 0,58%.

Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần sau thông tin số lượng giàn khoan hàng tuần giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng.

Kết thúc phiên 10/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,85 USD/thùng (+1,67%), lên 51,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,3 USD (+2,25%), lên 57,87 USD/thùng.

Như vậy, sau tuần trái chiều trước đó, trong tuần này, giá dầu thô đã đồng loạt tăng mạnh trở lại, trong đó, giá dầu thô Mỹ tăng 5,09% và dầu thô Brent cũng tăng 5,31%.

Tin bài liên quan