Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Vàng, dầu và chứng khoán có phiên giao dịch đầy biến động

(ĐTCK) Cả chứng khoán, giá dầu và giá vàng đều có phiên giao dịch đầy biến động trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, chỉ có giá vàng có được mức tăng, còn lại đều giảm điểm, trong đó giá dầu có phiên giảm mạnh.

Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 cho biết, có 215.000 việc làm được tạo thêm trong tháng, thấp hơn chút ít so với con số dự báo 223.000 việc làm của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp là 5,3% và thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,2%, như mong đợi.

Báo cáo việc làm với số việc làm mới tạo ra trên 200.000 việc làm đã khiến khả năng Fed tăng lãi suất tăng thêm.

Theo RBS, khả năng việc Fed tăng lãi suất trong tháng 9 đã tăng lên 55% từ mức 47% trước đó sau khi báo cáo việc làm. Theo các chuyên gia, sự tập trung bây giờ lại được hướng vào báo cáo việc làm tháng 8. Trước đó, trong cuộc họp tháng 7, Fed cho biết cần phải nhìn thấy "một số cải tiến hơn nữa trong thị trường lao động" để tăng lãi suất.

Trong phiên thứ Sáu, phố Wall vẫn có phiên giao dịch đầy biến động. Sau báo cáo việc làm và việc giá dầu thô giảm mạnh xuống mức thấp nhất 6 tháng khiến nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh, kéo phố Wall giảm sâu, tuy nhiên trong phiên chiều đà giảm đã được hãm lại phân nửa do nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng hồi phục, cùng với việc cổ phiếu của America Express tăng vọt 6% sau thông tin ValueAct đầu tư 1 tỷ USD để mua cổ phiếu của America Express.

Tuy nhiên, với việc giảm 4 trên 5 phiên giao dịch trong tuần, phố Wall có tuần giảm khá mạnh, đánh mất hết cả vốn lẫn lãi đó có trong tuần trước.

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số Dow Jones giảm 46,37 điểm (-0,27%), xuống 17.373,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 5,99 điểm (-0,29%), xuống 2.077,57 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 12,9 điểm (-0,26%), xuống 5.043,54 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,79%, chỉ số S&P 500 giảm 1,25%% và chỉ số Nasdaq giảm 1,65%.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, theo dữ liệu vừa công bố, sản lượng công nghiệp của Đức giảm và xuất khẩu giảm nhiều hơn so với dự kiến, đặt ra câu hỏi về sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Dữ liệu kinh tế Đức, cùng ảnh hưởng từ bảng báo cáo việc làm của Mỹ đã khiến chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm trong phiên cuối tuần. Dù vậy, với các phiên tăng điểm liên tiếp trước đó nhờ kết quả kinh doanh khả quan, chứng khoán châu Âu vẫn có tuần tăng điểm tốt hơn tuần trước.

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 28,6 (-0,42%), xuống 6.718,49 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 94,27 điểm (-0,81%), xuống 11.490,83 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm  37,36 điểm (-0,72%), xuống 5.154,75 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,33%, chỉ số DAX tăng 1,61%% và chỉ số CAC 40 tăng 1,41%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường đều đóng cửa phiên cuối tuần trong sắc xanh. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng điểm nhờ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp khả quan, nhưng mức tăng khiêm tốn khi giới đầu tư chờ đợi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và chứng khoán Trung Quốc đại lục đã có phiên hồi phục ấn tượng với việc chỉ số Shanghai Composite tăng hơn 2,2% sau khi cơ quan quản lý, cùng các phương tiện truyền thông Trung Quốc đang có những nỗ lực mới nhằm trấn an nhà đầu tư. Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông, gần 300 quỹ đầu tư, quản lý 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 161 tỷ USD) đang sẵn sàng để giải ngân vào chứng khoán Trung Quốc tại bất kỳ thời điểm nào. Bên cạnh đó, một cơ quan thuộc Chính phủ Trung Quốc với nhiệm vụ vực dậy thị trường chứng khoán cũng được cho là đang tìm kiếm thêm 2.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 322 tỷ USD) trong các quỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sẽ mất thời gian khá lâu để nhà đầu tư trở lại với thị trường và nếu có cũng chỉ là trong ngắn hạn.

Kết thúc phiên 7/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 60,12 điểm (+0,29%), lên 20.724,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 177,19 điểm (+0,73%), lên 24.552,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 82,67 điểm (+2,26%), lên 3.744,2 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,68%, chỉ số Hang Seng giảm 0,34%, trong khi chỉ số Shanghai Composite lấy lại được 2,2% sau khi để mất tới 10,0% trong tuần trước.

Vàng đã có phiên giao dịch đầy biến động cuối tuần. Giá vàng tăng mạnh ngay khi có thông tin có lệnh mua 100.000 ounce, sau đó giá kim loại quý này lại sụt giảm mạnh trở lại khi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá vàng lại bật trở lại và kết thúc tuần ở vùng giá tích cực.

Kết thúc phiên 7/8, giá vàng giao ngay tăng 4,3 USD (+0,4%), lên 1.093,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 2,9 USD/ounce (+0,27%), lên 1.093,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4 USD (+0,37%), lên 1.094,1 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,13%, giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 0,16%, trong khi giá vàng giao tháng 12 gần như không đổi khi chỉ giảm 0,09%.

Kết quả khảo sát của Kitco News Wall Street và Main Street Weekly Gold Survey cho thấy, các nhà đầu tư vẫn dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới.

Cụ thể, trong số 202 người tham gia vào khảo sát online của Kitco, có 123 người, chiếm 61% cho rằng vàng sẽ tiếp tục giảm; 59 người, chiếm 29% nhận định vàng có thể tăng, và 20 người, chiếm 10%, giữ quan điểm trung lập.

Trong khi đó, trong cuộc khảo sát 33 chuyên gia, có 17 chuyên gia trả lời khảo sát của Kitco, trong đó có 4 người, chiếm 24% kỳ vọng vàng sẽ tăng trong tuần tới; 9 người, chiếm 55% cho rằng giá vàng sẽ còn thấp hơn nữa và 4 người, chiếm 24%, giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Sáu, xuống mức thấp nhất 4 tháng rưỡi với giá dầu thô Mỹ và 6 tháng với giá dầu thô Brent, đánh dấu tuần giảm thứ 6 liên tiếp của giá dầu. Lý do khiến giá dầu giảm mạnh trong phiên cuối tuần là thông tin lượng giàn khoan dầu của Mỹ tiếp tục tăng trong tuần qua, nâng tổng số giàn khoan tăng mới trong 3 tuần lên 32 giàn khoan.

Thêm nữa, báo cáo của Chính phủ Mỹ cho thấy, kho dự trữ xăng của nước này đã tăng vượt dự báo 300.000 thùng vào tuần trước.

Kết thúc phiên 7/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,79 USD/thùng (-1,80%), xuống 43,87 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,91 USD (-1,87%), xuống 48,61 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ và giá dầu thô Brent cùng giảm 6,9%. Đây là tuần giảm thứ 6 liên tiếp của giá dầu. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, giá dầu có thể hồi phục trở lại trong tuần tới khi các nhà máy lọc dầu bước vào thời kỳ bảo dưỡng.

Tin bài liên quan