Hồi tháng 5, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Và việc này đã thực sự diễn ra hôm thứ Hai khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt RRR 50 điểm cơ bản từ ngày 16/6 tới.
Tuy nhiên, việc nghĩ rằng một động thái cắt giảm RRR có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng có lẽ là kỳ vọng hơi quá đối với cả việc cắt giảm cũng như chính sách tiền tệ nói chung, Vương Đào, chuyên gia của UBS viết.
Hơn nữa, sự thiếu vắng tăng trưởng tín dụng không phải là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Vấn đề tài chính của các công ty Trung Quốc bắt nguồn từ thực tế là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các công ty tư nhân thường thua thiệt so với các doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận các dự án liên quan đến bất động sản, đầu tư của chính quyền địa phương.
Vấn đề lớn nhất mà khu vực doanh nghiệp của Trung Quốc phải đối mặt là “sự thiếu vắng mục đích đầu tư hay cơ hội đầu tư”, ông Vương viết. “Với nhiều công ty, vấn đề lớn hơn hiện nay là dư thừa công suất, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp nặng và xây dựng”.
Công suất dư thừa - trong đó cầu đối với sản phẩm nhỏ hơn cung tiềm năng - tiếp tục là một trong những vấn đề lớn nhất của Trung Quốc. Và, sự bùng nổ của hoạt động đầu tư với “nhiên liệu” tín dụng là nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề dư thừa công suất.
“Với những công ty đang đối mặt với công suất dư thừa, lợi nhuận biên thấp và triển vọng tương lai yếu, tín dụng dễ và rẻ có thể giúp họ tồn tại nhưng sẽ không thể khuyến khích họ đầu tư thêm”, ông Vương viết. “Với nhiều công ty khác, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực tư nhân và dịch vụ, rào cản gia nhập thị trường là vấn đề lớn nhất, đòi hỏi các cải cách nhanh hơn để phá vỡ những rào cản đó”.
Chốt lại là, đã đến lúc Trung Quốc cần nhiều hơn các biện pháp cải cách chứ không phải chỉ loanh quanh với chính sách tiền tệ.