Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

USD xuống thấp, đẩy chứng khoán và vàng tăng cao

(ĐTCK) Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất gần 4 tháng đã tạo giúp giới đầu tư trên cả thị trường chứng khoán và vàng hồ hởi mua vào, đẩy cả 2 thị trường này tăng mạnh. Trong đó, S&P 500 đóng cửa với mức cao kỷ lục mới.

Sau mấy phiên lình xình, phố Wall đã bất tăng mạnh trong phiên thứ Năm với việc chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức kỷ lục. Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên này khi giới đầu tư trút được gánh nặng về khả năng Fed tăng lãi suất. Ngoài ra, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất gần 4 giúp tăng kỳ vọng về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ, cũng góp phần đẩy phố Wall tăng manhj trong phiên này.

Kết thúc phiên 14/5, chỉ số Dow Jones tăng 191,75 điểm (+1,06%), lên 18.252,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,62 điểm (+1,08%), lên 2.121,10 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 69,10 điểm (+1,39%), lên 5.050,79 điểm.

Cũng như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu cũng có phiên hồi mạnh trong ngày thứ Năm. Tuy nhiên, lý do giúp chứng khoán châu Âu tăng mạnh lại xuất phát từ nguyên nhân khác. Theo đó, Uỷ ban châu Âu đang mở cuộc điều tra bán phá giá thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc, qua đó kéo cổ phiếu các doanh nghiệp thép của khu vực tăng mạnh và lan tỏa ra thị trường.

Kết thúc phiên 14/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 23,41 điểm (+0,34%), lên 6.973,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 208,36 điểm (+1,84%), lên 11.559,82 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 67,45 điểm (+1,36%), lên 5.029,31 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, những lo sợ về rủi ro trên thị trường trái phiếu đã lây lan sang thị trường cổ phiếu và khiến chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh trở lại trong phiên thứ Năm. Trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lình xình và kết thúc phiên với mức hồi nhẹ sau phiên giảm mạnh trước đó. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục hồi phục nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số tập đoàn lớn vừa công bố.

Kết thúc phiên 14/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 194,48 điểm (-0,98%), xuống 19.570,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 37,27 điểm (+0,14%), lên 27.286,55 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 2,55 điểm (+0,06%), lên 4.378,31 điểm.

Việc đồng USD giảm mạnh xuống mức thấp nhất gần 4 tháng, thậm chí có lúc trong phiên đã xuống mức thấp nhất 5 tháng tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng tăng, bỏ xa thêm ngưỡng 1.200 USD/ounce. Ngoài ra, nỗ lo về khả năng Fed tăng lãi suất trước tháng 9 năm nay cũng được gỡ bỏ sau dữ liệu kinh tế kém khả quan vừa công bố cũng củng cố niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường vàng.

Bên cạnh đó, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, nền kinh tế Ấn Độ cải thiện và mua sắm tiêu dùng lớn cho lễ hội, giúp gia tăng cầu vàng vật chất của quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới này. Đây cũng là một thông tin hỗ trợ tích cực cho giá vàng.

Kết thúc phiên 14/5, giá vàng giao ngay tăng 6,3 USD (+0,52%), lên 1.221,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 7 USD/ounce (+0,58%), lên 1.225,2 USD/ounce.

Nỗi lo dư cung khiến dầu thô tiếp tục có phiên giảm giá với mức giảm lớn hơn phiên trước đó, bất chấp đồng USD giảm xuống mức thấp nhất gần 4 tháng.

Kết thúc phiên 14/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,62 USD/thùng (-1,04%), xuống 59,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,22 USD (-0,33%), xuống 66,59 USD/thùng.

Tin bài liên quan