Giới đầu tư tiếc nuối khi phố Wall không duy trì được đà tăng tốt như đầu phiên trong phiên giao dịch thứ Năm (Ảnh minh họa: AFP)

Giới đầu tư tiếc nuối khi phố Wall không duy trì được đà tăng tốt như đầu phiên trong phiên giao dịch thứ Năm (Ảnh minh họa: AFP)

USD trở lại, giá vàng, dầu và phố Wall rút lui

(ĐTCK) Thông tin hỗ trợ từ Canada và Bắc Phi giúp giá dầu thô có thời điểm tăng mạnh trong phiên thứ Năm, tuy nhiên, sự trở lại mạnh mẽ của đồng USD đã khiến giá dầu hạ nhiệt, kéo chứng khoán đảo chiều theo. Trong khi đó, vàng cũng tiếp tục giảm giá trước sức ép của đồng bạc xanh.

Chứng khoán Mỹ mở cửa phiên giao dịch thứ Năm khá tích cực khi cả 3 chỉ số đều hồi phục mạnh nhờ giá dầu thô tăng mạnh hơn 4% lên mức cao nhất ngày 46 USD/thùng. Tuy nhiên, về cuối phiên, giá dầu thô đã hạ nhiệt và chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ, khiến phố Wall đảo chiều theo khi giới đầu tư thận trong trước ngày công bố bảng lương phi nông nghiệp.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số Dow Jones tăng 9,45 điểm (+0,05%), lên 17.660,71 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,49 điểm (-0,02%), xuống 2.050,63 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 8,55 điểm (-0,18%), xuống 4.717,09 điểm.

Chứng khoán châu Âu hồi nhẹ trong phiên thứ Năm sau 2 phiên giảm khá mạnh liên tiếp trước đó. Chứng khoán châu Âu hồi nhẹ nhờ kết quả kinh doanh khả quan của BT khi tập đoàn điện thoại này báo cáo lợi nhuận tăng 6% trong năm tài chính vừa kết thúc, tốt hơn dự kiến.

Ngoài ra, chứng khoán khu vực cũng được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô hồi phục hơn 3% (tính đến khi kết thúc phiên châu Âu) sau thông tin cháy rừng tại Canada và nội chiến leo thang tại Lybia.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,23 điểm (+0,09%), lên 6.117,25 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 23,61 điểm (+0,24%), lên 9.851,86 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 4,77 điểm (-0,11%), xuống 4.319,46 điểm.

Trong khi chứng khoán châu Âu hồi nhẹ trở lại, thì trên thị trường chứng khoán châu Á, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm thứ 4 liên tiếp khi giới đầu tư lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như chờ đợi phản ứng của phố Wall trước ngày công bố báo cáo bảng lương phi nông nghiệp. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục đã nhanh chóng phục hồi sau phiên điều chỉnh trước đó.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 76,01 (-0,37%), xuống 20.449,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 6,57 điểm (+0,22%), lên 2.997,84 điểm. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục nghỉ giao dịch.

Sau khi giảm về mức thấp nhất 15 tháng ngày đầu tháng 5, đồng USD đã có chuỗi 3 phiên hồi phục liên tiếp, lên mức cao nhất 1 tuần trong phiên thứ Năm, gây áp lực lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này có phiên giảm thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 5/5, giá vàng giao ngay giảm 1,4 USD (-0,11%), xuống 1.277,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 2,1 USD (-0,16%), xuống 1.272,2 USD/ounce.

Thông tin cháy rừng ở Canada và nội chiến leo thang ở Lybia giúp giá dầu thô tăng mạnh trong nửa đầu phiên thứ Năm. Trong đó, giá dầu thô Mỹ có lúc đã tăng 4%, lên mức 46 USD/thùng, mức cao nhất kể từ thứ Hai. Tuy nhiên, về cuối phiên, viêc đồng USD tăng mạnh đã gây áp lực lên các hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có dầu thô, khiến giá loại nhiên liệu này hạ nhiệt và chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ khi chốt phiên Mỹ.

Kết thúc phiên 5/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,54 USD (+1,22%), lên 44,32 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,39 USD (+0,87%), lên 45,01 USD/thùng.

Tin bài liên quan