Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Tuần đen tối của chứng khoán Trung Quốc

(ĐTCK) Hoảng loạn là từ để dùng tới những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong phiên cuối tuần. Qua đó khiến thị trường chứng khoán nước này có tuần giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cũng “thổi bay” gần 1.500 tỷ USD vốn hóa trong tuần.

Phố Wall đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần khi nhà đầu tư lo ngại tình hình Hy Lạp đã tìm đến các kênh đầu tư an toàn như USD, trái phiếu.

Dù giảm trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng các chỉ số chứng khoán Mỹ đã có tuần tăng mạnh nhất trong gần 2 tháng.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số Dow Jones giảm 99,89 điểm (-0,55%), xuống 18.015,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,25 điểm (-0,53%), xuống 2.109,99 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 15,95 điểm (-0,31%), xuống 5.117,00 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,65%, chỉ số S&P 500 tăng 0,76% và chỉ số Nasdaq tăng 0,68%.

Chứng khoán chứng khoán châu Âu giao dịch bình tĩnh trước tình hình của Hy Lạp, bởi nhiều nhà phân tích cho rằng, tác động của việc Hy Lạp vỡ nợ và ra khỏi khu vực đồng euro tới các nền kinh tế khác là không đáng kể, bởi quy mô của nền kinh tế Hy Lạp nhỏ.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 2,57 điểm (+0,04%), lên 6.710,45 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 60,20 điểm (-0,54%), xuống 11.040,10 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 11,89 điểm (+0,25%), lên 4.815,37 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,10%, chỉ số DAX giảm 1,4% và chỉ số CAC 40 giảm 1,75%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại trong phiên cuối tuần từ mức thấp nhất 1 tháng nhờ ảnh hưởng thông tin tích cực từ Mỹ. Tuy nhiên, điều này cũng không đủ giúp cho chỉ số Nikkei 225 tránh được tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Chứng khoán Hồng Kông cũng tăng nhẹ trở lại khi mối lo bất ổn chính trị được loại bỏ, nhưng giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đang bị ảnh hưởng bởi thị trường đại lục.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đã có phiên hoảng loạn thực sự cuối tuần. Sau khi giảm mạnh khoảng 2% trong phiên sáng, sang đến phiên chiều, lệnh bán tháo ồ ạt được tung vào khiến chứng khoán Thượng Hải lao dốc hơn 6,4%.

Chứng khoán Trung Quốc đã được giới phân tích đánh giá là quá nóng và có thể vỡ bong bóng bất kỳ lúc nào khi chỉ trong vòng 12 tháng qua, vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng thêm 6.500 tỷ USD và hiện tổng vốn hóa của nó lên tới 10.700 tỷ USD, lớn hơn khả GDP của nền kinh tế này.

Tuy nhiên, phiên lao dốc cuối tuần, cùng với các phiên giảm mạnh trước đó trong tuần, chứng khoán Trung Quốc đã đánh dấu tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với mức giảm hơn 13,3%. Như vậy, kể từ mức đỉnh được thiết lập cuối tuần trước (ngày 12/6), giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm tới khoản 1.493 tỷ USD.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 185,42 điểm (+0,92%), lên 20.174,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 65,87 điểm (+0,25%), lên 26.760,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 306,99 điểm (-6,42%), xuống 4.478,36 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,14%, chỉ số Hang Seng giảm 1,91%, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm tới 13,32%.

Trên thị trường, việc nhà đầu tư trở lại với đồng USD trước lo ngại về tình hình Hy Lạp khiến đồng bạc xanh hồi phục trở lại từ mức thấp nhất 1 tháng. Chính điều này lại tác động tiêu cực lên giá vàng, khiến đà tăng mạnh của kim loại quý này bị chặn lại trong phiên cuối tuần. Dù vậy, với phiên tăng giá ấn tượng hôm thứ Năm, vàng vẫn có tuần tăng giá ấn tượng, sau tuần hồi phục nhẹ trước đó.

Kết thúc phiên 19/6, giá vàng giao ngay giảm 1,7 USD (-0,14%), xuống 1.200,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 1,2 USD/ounce (-0,1%), xuống 1.200,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 2,2 USD/ounce (-0,18%), xuống 1.199,8 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,61%, giá vàng giao tháng 6 tăng 1,71% và giá vàng giao tháng 8 tăng 1,61%.

Trong cuộc khảo sát tuần này của Kitco, trong 388 người tham gia cuộc thăm dò trực tuyến, có 201 người, chiếm 52% cho rằng vàng sẽ giảm trong tuần tới, trong khi có 135 người, chiếm 35% có cái nhìn lạc quan về giá vàng và 52 người, tương đương 13% giữ quan điểm trung lập.

Trong khi đó, theo cuộc thăm dò 33 chuyên gia trên thị trường, có 18 người trả lời tuần này. Trong đó, chỉ có 2 người, chiếm 11% cho rằng vàng sẽ giảm tuần tới, trong khi có 7 chuyên gia, chiếm 39% giữ quan điểm lạc quan về giá vàng và có tới 9 người, chiếm 50% giữ quan điểm trung lập.

Việc đồng USD tăng, cùng lo ngại về tình hình Hy Lạp ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế toàn cầu và khả năng sản xuất dầu đá phiến của Mỹ gia tăng khiến giá dầu đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần. Phiên giảm này đã đánh mất toàn bộ những gì đã có được trước đó, khiến cả giá dầu thô Mỹ và dầu thô Brent có tuần giảm giá trở lại sau tuần hồi phục trước đó.

Kết thúc phiên 19/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,84 USD/thùng (-1,41%), xuống 59,61 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,24 USD (-1,97%), xuống 63,02 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 0,58%, còn giá dầu thô Brent giảm 1,33%.

Tin bài liên quan