Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với PBoC khẳng định, sự can thiệp của thể chế tài chính này, dù rất tốn kém, song là điều cần thiết để duy trì niềm tin vào nền kinh tế và ngăn chặn nguy cơ hỗn loạn từ sự mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ, nhân tố có thể đẩy các hiệu ứng tiêu cực vượt khỏi tầm kiểm soát.
Theo số liệu tính toán của Thời báo Tài chính (Anh), Bắc Kinh đã chi khoảng 473 tỷ USD trong kho dự trữ ngoại hối của mình, kể từ khi gây bất ngờ với các thị trường toàn cầu hồi tháng 8 năm ngoái, bằng cách thay đổi cách ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày.
Một quan chức PBoC cho biết: “Điều quan trọng nhất là niềm tin, cả tại Đại lục và thị trường toàn cầu. Chi phí can thiệp trên phương diện sử dụng nguồn lực ngoại tệ là rất cao, song chính sách này không nên chỉ được đánh giá bằng những con số. Một khi niềm tin bị đánh mất, sẽ rất khó để khôi phục và khi đó nhiều điều tồi tệ hơn có thể xảy ra”.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù các quan chức PBoC hiểu việc thay đổi cách ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày sẽ tạo ra những sức ép mới đối với đồng Nhân dân tệ, song duy trì tình trạng đồng Nhân dân tệ mất kiểm soát có thể làm “xói mòn” hệ thống tài chính rộng hơn và khiến các nhà đầu tư bán tháo đồng tiền này.
Động thái của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại thời điểm đó đang cân nhắc đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ, trùng hợp với giai đoạn chứng khoán Trung Quốc rơi vào tình trạng biến động mạnh. Điều đó đã đặt PBoC vào tình thế phải kiềm chế sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ ngay sau khi đưa ra tuyên bố giảm can thiệp của Chính phủ trên thị trường tài chính. Kết quả này đã tạo ra sự hoang mang lan rộng trong giới đầu tư về ý định thực sự của PboC là gì.
Một số nhà tư vấn của PBoC thì cho rằng, sự can thiệp để ổn định tỷ giá đồng Nhân dân tệ và USD là điều không cần thiết. Có những lo ngại rằng, nếu tỷ giá giảm 2%, thì nó có thể giảm 10% hoặc hơn thế nữa, nhưng với vị thế thặng dư thương mại ổn định của Trung Quốc và mức nợ nước ngoài thấp, đồng Nhân dân tệ vẫn duy trì sự ổn định tương đối so với USD.
“Nếu bạn nhìn vào bức tranh tổng thể của cán cân thanh toán, đồng Nhân dân tệ sẽ duy trì sự ổn định một cách dễ dàng và nhanh chóng hồi phục”, một nhà tư vấn nói.
Tuy nhiên, có một số chỉ trích về động thái chi ngoại tệ để can thiệp vào thị trường tiền tệ của Trung Quốc là sự lãng phí, vì nó chỉ làm trì hoãn sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ. Nhiều nhà kinh tế đồng quan điểm, sức ép xuống giá có thể quay trở lại, khi thời điểm tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở nên rõ ràng hơn.
Ước tính, tổng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm xuống còn 3.190 tỷ USD trong tháng 5/2016, thấp hơn nhiều so với mức 3.990 tỷ USD hồi tháng 6/2014. Dù có sự can thiệp vào thị trường tiền tệ, nhưng đồng Nhân dân tệ hiện vẫn mất giá 5,3% kể từ lần hạ giá hồi tháng 8 năm ngoái.
Về phần mình, PBoC phủ nhận những cáo buộc rằng, PBoC đã không giữ cam kết duy trì tỷ giá theo định hướng thị trường. Các quan chức PBoC tin rằng, bản thân nền kinh tế Trung Quốc sẽ chứng minh những dấu hiệu ổn định và động thái hạ giá đồng Nhân dân tệ (nếu xảy ra) sẽ rất “khiêm tốn” và không châm ngòi cho những hoang mang và lo sợ như giai đoạn trước đây.