Trung Quốc: Ứng dụng smartphone “phục vụ tận răng” người dùng

Trung Quốc: Ứng dụng smartphone “phục vụ tận răng” người dùng

Cần gấp một nhân viên massage, một bảo mẫu, đầu bếp tại gia, hay cần kêu gọi sự giúp đỡ tài chính từ các mạnh thường quân? Tại Trung Quốc, những nhu cầu này có thể được đáp ứng ngay lập tức chỉ với chiếc điện thoại thông minh có cài đặt một ứng dụng phù hợp.

Đến nay, dịch vụ giao hàng theo yêu cầu, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, đã trở nên phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Có rất nhiều ứng dụng giao hàng phục vụ mọi nhu cầu của người tiêu dùng, từ chia sẻ phòng ốc đến chia sẻ lượt đi xe. Tuy nhiên, theo BBC, thị trường 1,38 tỷ dân tại Trung Quốc và các ứng dụng phục vụ họ đã nâng khái niệm này lên một cấp độ hoàn toàn mới, có thể gọi nôm na là ngành công nghiệp "ngay bây giờ".

Theo một báo cáo của Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc, vào cuối tháng 6/2015, nước này có 688 triệu người sử dụng internet, tăng 18,9 triệu người so với cuối năm 2014. Đồng thời nhu cầu về các ứng dụng dịch vụ "ngay bây giờ" tại Trung Quốc cũng cao hơn nhiều so với phương Tây, nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu am hiểu công nghệ và sự ưu đãi mạnh tay từ các nhà bán lẻ trực tuyến.

Số lượng người dùng mà một ứng dụng Trung Quốc có thể thu hút được cũng cao hơn nhiều so với các nước khác. Với xu hướng O2O (online to offline - mô hình tìm kiếm khách hàng trên kênh trực tuyến, sau đó mang họ đến với cửa hàng thực), người dùng Trung Quốc chỉ cần yêu cầu sản phẩm hoặc dịch vụ trên kênh trực tuyến, sau đó nhận hàng tại nhà hoặc văn phòng.

Cách đây 8 năm, Ele.me bắt đầu hoạt động chỉ như một dịch vụ đặt thực phẩm trực tuyến giúp sinh viên đại học ở Thượng Hải có thể tìm kiếm những phần ăn hằng ngày một cách đơn giản và dễ dàng. Đến nay, ứng dụng này đã có đến 70 triệu người dùng và quản lý 5 triệu đơn hàng mỗi ngày.

Để thấy được sự khác biệt, có thể so sánh Ele.me với "đồng nghiệp" tại Mỹ là dịch vụ giao thức ăn trực tuyến Grubhub (ra đời cách đây 12 năm) với 7,4 triệu người dùng và quản lý trung bình 271.000 đơn hàng mỗi ngày.

"Yếu tố cốt lõi làm nên thành công trong ngành công nghiệp này là khả năng mang đến sự tiện lợi và hiệu quả đến khách hàng" - Mark Zhang - nhà sáng lập, CEO của Ele.me cho biết.

Sự phổ biến của smartphone cũng như dịch vụ thanh toán di động an toàn và dễ dàng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng các ứng dụng di động cung cấp sản phẩm, dịch vụ "ngay tức thì”. Nhiều dịch vụ cho phép người dùng thanh toán ngay trên ứng dụng trò chuyện phổ biến như WeChat hay PayPal của Trung Quốc là Alipay.

Wan Yuchen - chuyên gia phân tích tại Hãng Nghiên cứu thị trường China Market Research Group cho biết, một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu tại Trung Quốc tốn ít chi phí hơn các doanh nghiệp tại những thị trường phát triển khác là chi phí hậu cần và giá nhân công thấp. Điều này còn tạo điều kiện để có mức giá cạnh tranh so với cửa hàng truyền thống. Trên thực tế, các dịch vụ giao thức ăn tận nơi ở Trung Quốc thường xuyên áp dụng ưu đãi miễn phí giao hàng, và mức phí trung bình cho một lần giao hàng cũng chỉ vào khoảng 1USD.

Ở giai đoạn mới phát triển, các dịch vụ giao thức ăn, mặt hàng bán lẻ và gọi xe nắm vai trò dẫn dắt thị trường, cũng giống như ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều dịch vụ tiện lợi đa dạng khác, như giải trí, làm đẹp, chăm sóc trẻ, du lịch, cưới hỏi...

"Những dịch vụ này đều rất cần thiết ở Trung Quốc, và nhu cầu của thị trường sẽ không ngừng tăng. Chẳng hạn, nhịp sống tại các thành phố lớn đang ngày càng nhanh hơn, người dùng Trung Quốc không có thời gian để tìm kiếm quản gia riêng, sẽ phải nhờ vào sự tiện lợi của các dịch vụ từ ứng dụng di động" - Wan Yong - CEO của Ayibang, một ứng dụng ra đời vào tháng 8/2013, chuyên cung cấp dịch vụ quản gia, bảo mẫu và sửa chữa nhà cửa, đồ nội thất, cho hay.

Ngoài các loại sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống thường nhật, các ứng dụng di động tại Trung Quốc thậm chí còn có thể giúp người dùng tìm kiếm mạnh thường quân khi gặp phải hoàn cảnh ngặt nghèo. South China Morning Post ngày 25/9 đưa tin về trường hợp của Wang Tao - một bà mẹ trẻ đã dùng ứng dụng gọi điện và nhắn tin miễn phí WeChat để kêu gọi sự giúp đỡ vì không có đủ tiền chi trả viện phí cho đứa con 4 tuổi. Chỉ trong vòng 30 ngày "cầu cứu", Wang Tao nhận được 44.000 nhân dân tệ (CNY) từ 700 mạnh thường quân mà phần lớn trong số đó là những người cô chưa từng quen biết.

Xu hướng sử dụng ứng dụng di động để được "phục vụ tận răng" còn giúp tạo việc làm cho nhiều lao động tự do tại Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn của BBC, Ye Xiaorong, một quản gia 43 tuổi ở Bắc Kinh chia sẻ: "Trước đây tôi chưa bao giờ có một công việc hay thu nhập ổn định. Từ khi đăng ký làm quản gia trên ứng dụng Ayibang, mỗi buổi sáng tôi đều nhận được lịch trình công việc cụ thể và làm việc ít nhất 7 giờ/ngày. Tôi yêu thích công việc hiện tại vì nó trao cho tôi ý thức trách nhiệm và nguồn thu nhập đều đặn".

Chuyên trang nghiên cứu iresearchchina.com dự báo đến năm 2018, thị trường O2O tại Trung Quốc có thể đạt giá trị 1,6 nghìn tỷ CNY, tăng gần gấp đôi so với con số được ghi nhận vào năm 2015 là 879,7 tỷ CNY.

Tin bài liên quan