Trung Quốc nới room, mở rộng cửa thị trường tài chính

Trung Quốc nới room, mở rộng cửa thị trường tài chính

(ĐTCK) Trung Quốc vừa đi một bước lớn trong chặng hành trình đã bắt đầu từ lâu, nhưng chưa có nhiều tiến triển: Mở cửa hệ thống tài chính.

Theo đó, chính quyền Đại lục cho biết, sẽ gỡ bỏ quy định giới hạn sở hữu nước ngoài tại ngân hàng, đồng thời cho phép các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu cổ phần chi phối tại các công ty chứng khoán, bảo hiểm và công ty quản lý quỹ nội địa.

Quy định mới vừa được công bố một cách vắn tắt này sẽ mở rộng cánh cửa, giúp các công ty tài chính quốc tế thâm nhập vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây được xem là một “giấy chứng nhận” cho quyết tâm cải cách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người vừa tiếp tục giữ vững vị trí của mình sau Đại hội Đảng toàn quốc cách đây chưa đầy 1 tháng.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao cho biết, chính quyền Đại lục vẫn đang hoàn thiện các quy định mới, nhưng sẽ sớm công bố chính thức trong thời gian tới.

Hiện tại, các nội dung chính bao gồm: Các công ty nước ngoài được phép sở hữu tới 51% cổ phần tại công ty chứng khoán, trần sở hữu sẽ được bỏ sau 3 năm kể từ khi quy định mới có hiệu lực; Trung Quốc sẽ nâng giới hạn sở hữu 51% đối với công ty bảo hiểm hiện tại sau 3 năm và gỡ bỏ sau 5 năm; giới hạn sở hữu nước ngoài tại công ty quản lý quỹ sẽ nâng lên mức 51% và gỡ bỏ hoàn toàn sau 3 năm; ngân hàng và các công ty quản lý tài sản sẽ không còn trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Các tổ chức tài chính quốc tế đều tán dương động thái này, trong đó có JPMorgan Chase & Co và Morgan Stanley với thông điệp sẽ tiếp tục gắn bó với thị trường này. UBS Group AG cho biết, Công ty sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc mua cổ phần tại các công ty Trung Quốc.

Phản ứng này của các tổ chức tài chính là dễ hiểu, bởi Trung Quốc tuy đã có nhiều cải thiện trong việc mở cửa thị trường trái phiếu và chứng khoán với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các ngân hàng và công ty chứng khoán quốc tế từ rất lâu vẫn bị ràng buộc bởi quy định trần sở hữu.

“Đây là thông điệp chủ chốt cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa và biến thị trường tài chính trong nước trở thành một thị trường mang tính toàn cầu hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là chờ xem các công ty nước ngoài có thể đóng vai trò như thế nào tại thị trường Đại lục trong thời gian tới”, Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Mizuho Securities Asia Ltd cho biết.

Việc nới trần sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài diễn ra vào thời điểm hầu hết các nhà băng quốc tế đã bắt đầu “mất kiên nhẫn” với những đồng sự tại Trung Quốc. Sau khi Citigroup Inc, Goldman Sachs Group Inc và nhiều nhà băng khác thoái vốn, HSBC Holdings Plc là ngân hàng toàn cầu duy nhất còn nắm giữ lượng cổ phần lớn (19%) tại một ngân hàng nội địa là Bank of Communications Co.

Các ngân hàng nước ngoài nắm giữ 2,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (436 tỷ USD) tài sản tại Trung Quốc tính tới cuối năm 2016, chiếm 1,26% tổng tài sản ngân hàng tại thị trường này, mức thấp nhất kể từ năm 2003, theo số liệu mới nhất của Uỷ ban Quản lý ngân hàng Trung Quốc.

Trong năm 2016, các nhà băng quốc tế thu về 12,8 nghìn tỷ nhân dân tệ lợi nhuận tại thị trường Trung Quốc, thấp hơn 1% lợi nhuận mà các ngân hàng nội địa thu được.

Không riêng các nhà băng, hoạt động của các doanh nghiệp liên kết giữa công ty nước ngoài và công ty nội địa lĩnh vực chứng khoán cũng không lấy làm khởi sắc tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo đó, JPMorgan First Capital xếp thứ 120 trong số 125 công ty chứng khoán tại Trung Quốc tính theo thu nhập năm 2015, theo số liệu của Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc.

Trong khi đó, UBS Securities Co, công ty chứng khoán có lợi nhuận cao nhất khối các công ty liên kết với nước ngoài, xếp thứ 95, với 296 triệu nhân dân tệ lợi nhuận.

Do đó, trong bối cảnh này, động thái nới room được kỳ vọng sẽ giúp các công ty nước ngoài tập trung trở lại vào việc củng cố sự hiện diện tại thị trường bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ tại Trung Quốc, Oliver Rui, giáo sư tài chính tại China Europe  International Business School cho biết.

Tin bài liên quan