Thông tin đáng chú ý nhất trong ngày thứ Ba chính là việc Nhân hàng Nhân dân Trung Quốc quyết định phá giá đồng nhân dân tệ gần 2% để hỗ trợ xuất khẩu, gây lo ngại châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tiền tệ mới.
Mặt khác, việc Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ cũng cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang gặp khó khăn thực sự. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đã không thể hạ cánh mềm trong tăng trưởng kinh tế, mà la hạ cánh cứng, điều này tác động tiêu cực tới đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Do đó, giới đầu tư chứng khoán có lý do để lo sợ và đồng loạt bán ra.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu của Apple, Caterpillar, những công ty có quan hệ làm ăn lớn tại thị trường Trung Quốc đều giảm mạnh, nhóm cổ phiếu năng lượng, nguyên liệu cũng giảm trở lại kéo phố Wall giảm mạnh, trả lại hết những gì đã có trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Dow Jones giảm 212,33 điểm (-1,21%), xuống 17.402,84 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,11 điểm (-0,96%), xuống 2.084,07 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 65,01 điểm (-1,27%), xuống 5.036,79 điểm.
Tương tự chứng khoán Mỹ, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ cũng khiến chứng khoán châu Âu lao mạnh. Ngoài ra, chỉ số triển vọng kinh tế ZEW của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong tháng 8 giảm xuống mức 25 từ mức 29,7 trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với mức dự báo là 32. Tuy nhiên, khu vực này cũng nhận được thông tin hỗ trợ là Hy Lạp đã chính thức được cứu sau khi đã có được thỏa thuận trị giá 85 tỷ euro với các chủ nợ.
Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khiến giá cả nhập khẩu vào thị trường này đắt đỏ hơn, hạn chế sức cạnh tranh, cũng như sức cầu các mặt hàng này. Trong khi đó, Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của nhiều doanh nghiệp châu Âu, nhất là các công ty chế tạo ô tô, hàng xa xỉ, nguyên vật liệu… Do đó, cổ phiếu của các công ty này giảm mạnh sau động thái của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 71,68 điểm (-1,06%), xuống 6.664,54 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 311,13 điểm (-2,68%), xuống 11.293,65 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 96,38 điểm (-1,86%), xuống 5.099,03 điểm.
Cũng giống chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán Nhật Bản cũng giảm từ từ trong phiên giao dịch thứ Ba sau động thái phá giá đồng nhân dân tệ gần 2% của Bắc Kinh, dù đầu phiên, chỉ số Nikkei 225 còn có sắc xanh.
Chứng khoán Hồng Kông cũng quay đầu giảm trong những phút cuối phiên, dù lúc đầu có mức tăng tốt và duy trì sắc xanh gần như suốt phiên giao dịch hôm thứ Ba. Chứng khoán Hồng Kông và cả chứng khoán Trung Quốc đại lục quay đầu do chịu ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu hàng không và nhập khẩu Trung Quốc, những doanh nghiệp sẽ chịu tổn thương sau quyết định phá giá đồng nhân dân tệ.
Kết thúc phiên 11/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 87,94 điểm (-0,42%), xuống 20.720,75 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 22,91 điểm (-0,09%), xuống 24.498,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 0,51 điểm (-0,01%), xuống 3.927,91 điểm.
Trên thị trường vàng, bất chấp thị trường chứng khoán và dầu chao đảo do lệnh bán tháo sau động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, thì giá vàng lại bất ngờ tăng vọt lên sát 1.120 USD/ounce vào cuối phiên châu Á dù trước đó lình xình dưới 1.110 USD/ounce. Tuy nhiên, sau đó, giá kim loại quý này hạ nhiệt dần và trở lại dưới ngưỡng 1.110 USD/ounce khi kết thúc phiên Mỹ. Dù vậy, giá vàng vẫn đóng cửa phiên thứ Ba ở mức cao nhất 3 tuần.
Kết thúc phiên 11/8, giá vàng giao ngay tăng 4,6 USD (+0,44%), lên 1.108,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 3,6 USD (+0,33%), lên 1.107,7 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, sau khi hồi phục tích cực trong phiên đầu tuần, giá dầu đã chịu ngay 2 đòn đau và giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ Ba, đẩy giá dầu thô Mỹ xuống mức thấp nhất 6 năm.
Trước hết là việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, khiến đồng USD tăng giá, đẩy giá dầu giảm. Ngoài ra, việc này cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng là nước tiêu thụ nhiên liệu lớn thứ 2 thế giới đang có vấn đề thực sự, khiến nỗi lo sức cầu giảm sụt, đẩy giá dầu giảm.
Bên cạnh đó, giá dầu còn chịu thêm thông tin bất lợi khác là Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lại tuyên bố không cắt giảm sản lượng, bất chấp giá dầu giảm càng đẩy giá nhiên liệu này giảm sâu hơn.
Kết thúc phiên 11/8, giá dầu thô Mỹ giảm 1,88 USD/thùng (-4,36%), xuống 43,08 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,23 USD (-2,50%), xuống 49,18 USD/thùng.