Theo dữ liệu vừa công bố, nhập khẩu trong tháng 9 của Trung Quốc tiếp tục giảm 17,7%, sau khi giảm 14,3% trong tháng 8. Đây là tháng giảm thứ 11 liên tiếp, lập kỷ lục dài nhất trong 6 năm qua. Điều này cho thấy nhu cầu nội địa của Trung Quốc đang giảm xuống, báo hiệu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại, nhiều nhà đầu tư lo lắng về việc hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc.
Việc nhập khẩu của Trung Quốc liên tiếp sụt giảm trong 11 tháng qua, nhất là mức sụt giảm mạnh trong tháng 9 khiến nỗi lo của giới đầu tư về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu vào thị trường này tăng lên.
Theo số liệu của Thomson Reuters, thu nhập của các công ty trong S&P 500 trong quý III dự kiến sẽ giảm gần 5% so với cùng kỳ, và sẽ là quý tồi tệ nhất trong 6 năm.
Lo lắng trên đã khiến phố Wall giảm trở lại trong phiên thứ Ba, chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp của Dow Jones.
Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Dow Jones giảm 49,97 điểm (-0,29%), xuống 17.081,89 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,77 điểm (-0,68%), xuống 2.003,69 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 42,03 điểm (-0,87%), xuống 4.796,61 điểm.
Tương tự, lo lắng từ dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc được công bố cũng khiến chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm trong phiên thứ Ba với mức giảm mạnh hơn khá nhiều so với phố Wall.
Kết thúc phiên 13/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 28,90 điểm (-0,45%), xuống 6.342,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 87,01 điểm (-0,86%), xuống 10.032,82 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 45,32 điểm (-0,97%), xuống 4.643,38 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù mở cửa sau 1 phiên nghỉ lễ với mức tăng tích cực, nhưng dữ liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố đã khiến chứng khoán Nhật Bản đã đảo chiều và đóng cửa giảm hơn 1%. Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều trở lại do giới đầu tư lo ngại từ những thông tin từ đại lục, trong khi chứng khoán Trung Quốc lại bất ngờ đảo chiều thành công trong phút cuối để tiếp tục có phiên tăng điểm.
Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 203,93 điểm (-1,11%), xuống 18.234,74 đểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 130,47 điểm (-0,57%), xuống 22.600,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 5,57 điểm (+0,17%), lên 3.293,23 điểm.
Trong khi thông tin kém khả quan của nền kinh tế Trung Quốc khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán lo sợ bán ra, thì nó lại bất ngờ trở thành thông tin hỗ trợ cho giá vàng. Sau khi điều chỉnh giảm khá mạnh trong phiên châu Á và châu Âu do áp lực chốt lời khi lên mức cao nhất 2 tháng, giá vàng đã đảo chiều bất ngược trở lại vào cuối phiên châu Âu và tăng mạnh hơn trong phiên Mỹ.
Hiện các quan chức Fed đang có những ý kiến trái chiều nhau về việc tăng lãi suất, nhưng với những “rắc rối” từ Trung Quốc, giới đầu tư cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong năm nay, do đó kéo đồng USD giảm trở lại sau nỗ lực hồi phục trong phiên đầu tuần và hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Kết thúc phiên 13/10, giá vàng giao ngay tăng 5 USD (+0,43%), lên 1.168,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 1 USD (+0,09%), lên 1.165,5 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, báo cáo ngày trước đó của OPEC tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu thô thế giới. Nỗ lực hồi phục trở lại sau khi có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 9 của giá dầu đã gặp gáo nước lạnh với báo cáo tiếp theo của Cơ quan Năng lương quốc tế (IAEA).
Theo IAEA, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ tiếp tục dư cung trong ít nhất 1 năm nữa bất chấp sự sụt giảm sản lượng của các nước ngoài OPEC. Sau thông tin này, giá dầu thô đã nhanh chóng quay đầu và tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 13/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,44 USD/thùng (-0,94%), xuống 46,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,62 USD (-1,26%), xuống 49,24 USD/thùng.