Trung Quốc không hẳn là Nhật Bản thứ 2

Trung Quốc không hẳn là Nhật Bản thứ 2

(ĐTCK) Tình hình của Trung Quốc hiện nay đang có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản vào năm 1990, và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên cẩn trọng trước nguy cơ lặp lại những sai lầm chính sách của đất nước Mặt trời mọc.

Trong khi Trung Quốc vừa gây bất ngờ với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tốt hơn dự đoán trong quý II vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lại buộc phải hạ thấp triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này.

Ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc cho thấy những tín hiệu phục hồi từ nhịp độ tăng trưởng chậm chạp, quốc gia này vẫn rất dễ tổn thương trước các chấn động giống như những gì mà Nhật Bản từng trải qua, một “thập kỷ mất mát” khi giá tiêu dùng liên tục sụt giảm và thiếu động lực tăng trưởng.

Đây là kết quả từ những nghiên cứu của Oxford Economics Ltd và HSBC Holdings Plc. Theo đó, cả 2 nghiên cứu đều cảnh báo về sự tương đồng giữa Trung Quốc hiện tại và Nhật Bản năm 1990. Dù đưa ra các kết luận khác nhau, song cả hai báo cáo đều thống nhất rằng, có một điểm chung giữa hai quốc gia này.

Nhật Bản từng ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong giai đoạn năm 1980 của thế kỷ trước cho đến khi bong bóng bất động sản và bong bóng chứng khoán vỡ vào năm 1990.

Trung Quốc cũng ghi nhận hàng thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ các gói kích thích và cho vay tín dụng dễ dàng, nhân tố đẩy giá bất động sản leo thang và khiến thị trường chứng khoán ghi nhận giai đoạn biến động chưa từng có trong vòng một năm qua.

Trong phân tích của mình, Oxford Economics nhận thấy, các nhà dự báo đã rất chậm trễ trong việc nhận ra tiềm năng tăng trưởng của Nhật Bản đã bị giảm sút ra sao sau những đổ vỡ kinh tế năm 1990 và hiệu ứng kéo dài của nó như thế nào.

Các dự báo đầy lạc quan về tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã tồn tại rất lâu sau khi bong bong bất động sản và chứng khoán đổ vỡ, đồng thời bỏ qua những nhân tố như dân số già. Điều này cũng giống như những gì đang xảy ra với các nhà quan sát Trung Quốc.

Nhà kinh tế trưởng Adam Slater nhận định: “25 năm trước, kinh tế Nhật Bản có điểm chung đầy bất ngờ với Trung Quốc ngày nay. Điều này có thể coi là lời cảnh báo đối với các nhà quan sát Trung Quốc và giới đầu tư, đặc biệt là những người luôn lo ngại về tình trạng đầu tư quá mức, nợ trong khu vực tư nhân cao, bong bóng tài sản và kết cấu dân số”.

Trung Quốc không hẳn là Nhật Bản thứ 2 ảnh 1

Cụ thể, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trung bình 5%/năm trong giai đoạn năm 1985-1990 và quốc gia này chiếm tới 8% lượng hàng hóa nhập khẩu của thế giới, 12% GDP toàn cầu và 57% GDP khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc hiện chiếm 10% nhập khẩu của thế giới, 11,5% GDP toàn cầu và 38% GDP của khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Một điểm so sánh khác là thị trường chứng khoán. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đã tăng tới 150% trong vòng một năm và chạm ngưỡng đỉnh vào ngày 12/6, trước khi tụt dốc mạnh và khiến gần 4.000 tỷ USD vốn hóa thị trường bị “bốc hơi”.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, kinh tế Trung Quốc năm 2015 vẫn có điểm rất khác biệt so với Nhật Bản năm 1990. Theo đó, Trung Quốc còn nhiều không gian để tiếp tục tăng trưởng, trong khi xuất phát điểm về mức độ phát triển và thu nhập của hai nước tại hai thời điểm là khác nhau. Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc có tiềm lực tài chính để can thiệp vào thị trường trong trường hợp cần thiết.

HSBC cho rằng, Trung Quốc đã rút ra một số bài học từ Nhật Bản, song các nhà hoạch định chính sách của nước này cần triển khai các giải pháp quyết liệt hơn để tránh vòng xoáy giảm phát, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu chưa thể hồi phục mạnh như trước thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008.   

Tin bài liên quan