Trung Quốc “hắt hơi”, châu Á “cảm lạnh”

Trung Quốc “hắt hơi”, châu Á “cảm lạnh”

(ĐTCK) Cái tên ”nước Mỹ” trong câu nói “Nước Mỹ hắt hơi, thế giới cảm lạnh” đang phần nào bị thay thế bằng “Trung Quốc”. Bởi việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu “ốm yếu” gần đây đã khiến các nền kinh tế châu Á phải tích cực triển khai các biện pháp phòng vệ.

Nhật Bản

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm Nhật Bản từ Trung Quốc sụt giảm không chỉ là một phần nguyên nhân khiến kinh tế đất nước Mặt trời mọc sụt giảm 1,1% trong quý IV/2015, mà còn xói mòn lòng tin vào chính sách Abenomics mà Thủ tướng Shinzo Abe theo đuổi.

Theo số liệu thống kê chính thức, xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm trung bình 8,5% trong tháng 1 và tháng 2/2016, sau khi đã giảm 8% vào tháng 12/2015. Bên cạnh đó, sản lượng công nghiệp của nước này cũng giảm 6,2% trong tháng 2 vừa qua, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2011.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại chính sách Abenomics đã đánh mất động lực. Bất chấp các động thái gần đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), thị trường tài chính và cổ phiếu vẫn chưa ổn định. Kết quả là, BoJ đã phải lần đầu tiên thực hiện chính sách lãi suất âm trong tháng 1, tạo ra những chấn động trên thị trường tiền tệ và châm ngòi những tranh cãi về vai trò của các ngân hàng trung ương trong thúc đẩy kinh tế.

Về phần mình, Thủ tướng Abe mới đây tuyên bố, chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng du khách tới Nhật Bản lên 40 triệu người vào năm 2020 và 60 triệu người vào năm 2030 để thúc đẩy nền kinh tế nội địa. 

Hàn Quốc

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Do nhu cầu từ Trung Quốc giảm, hoạt động xuất khẩu của xứ sở kim chi đã tụt dốc liên tiếp trong 14 tháng vừa qua.

Là một quốc gia phụ thuộc nặng vào xuất khẩu, nên để hạn chế những hiệu ứng tiêu cực từ xuất khẩu sụt giảm, Hàn Quốc đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc (bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12/2015), cũng như tìm kiếm các đối tác thương mại mới, như Iran thông qua thỏa thuận thương mại trị giá 5 tỷ euro với quốc gia Trung Đông này.

Chính phủ Hàn Quốc đang có kế hoạch tăng cường hỗ trợ cho các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, có tiềm năng vươn tới thị trường Trung Quốc, đặc biệt là tầng lớp trung lưu ở nước này. Các sản phẩm làm đẹp và cho trẻ em được coi là phân khúc trọng yếu, trong bối cảnh văn hóa K-Pop đã trở nên phổ biến tại Trung Quốc Đại lục.

Du lịch cũng là lĩnh vực đóng góp quan trọng cho kinh tế Hàn Quốc, khi lượng du khách từ Đại lục tăng 5,7% trong tháng 2 vừa qua so với năm ngoái, ngay cả khi kinh tế Trung Quốc suy yếu. Ngân hàng HSBC dự đoán, lượng du khách Trung Quốc tới Hàn Quốc có thể tăng tới 25% trong năm nay, nhờ mở các cửa hàng miễn thuế mới và miễn thị thực cho du khách Trung Quốc tới hòn đảo nghỉ dưỡng Jeju.

Đông Nam Á

Các nhà xuất khẩu hàng hóa lớn như Thái Lan và Indonesia đều chịu tác động khi giá khoáng sản, dầu cọ và cao su sụt giảm, bởi lẽ Trung Quốc là khách hàng lớn nhất tiêu thụ các sản phẩm từ hai quốc gia này.

Để giảm bớt sự phụ thuộc, Thái Lan và Indonesia đang nỗ lực xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng trong nước như đường bộ và đường sắt. Điều này đã thu được một số thành công, khi Indonesia ghi nhận mức tiêu dùng của các hộ gia đình đã tăng 4,8% trong cả năm 2015. Trong khi đó, kinh tế Thái Lan cũng chứng kiến mức tăng tích cực trong quý IV/2015, do các biện pháp kích thích chi tiêu cơ sở hạ tầng đã bù đắp cho nhu cầu nội địa và xuất khẩu sụt giảm.

Về phần mình, Singapore ghi nhận xuất khẩu sản phẩm phi dầu mỏ đã giảm 4,1% trong tháng 2 vừa qua, trong khi tình trạng sa thải lao động đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Để đối phó, tuần trước, Chính phủ Singapore thông báo sẽ chi 53 tỷ USD trong tài khóa này (bắt đầu từ tháng 4/2016) để hỗ trợ các DN.

Tin bài liên quan