Giá trị các thương vụ M&A được các công ty Trung Quốc thực hiện tại nước ngoài qua các năm

Giá trị các thương vụ M&A được các công ty Trung Quốc thực hiện tại nước ngoài qua các năm

Trung Quốc gặp khó khi “chinh phục” các công ty Mỹ

(ĐTCK) Tại Trung Quốc, “không” là câu trả lời mà Tsinghua Unisplendour ít khi phải nghe. Công ty công nghệ tại Bắc Kinh này thuộc sở hữu của Tsinghua University, trường đại học công nghệ hàng đầu Trung Quốc và có người “bảo trợ” là ông Tập Cận Bình.

Năm 2015, Unisplendour đã chi 2,3 tỷ USD để nắm quyền kiểm soát lĩnh vực dịch vụ của HP Trung Quốc, đồng thời công bố kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD tại 3 nhà sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm chip điện tử tại Đài Loan.

Trong tháng 9/2015, Unisplendour cho biết sẽ đầu tư 3,8 tỷ USD vào Western Digital, hãng chế tạo phần cứng tại California. Thương vụ này sẽ giúp Unisplendour trở thành cổ đông lớn nhất của Western Digital và cũng là thương vụ đầu tư công nghệ lớn nhất từng được các công ty Trung Quốc thực hiện. Tuy nhiên, Unisplendour đã gặp phải “rắc rối” từ giới chức Mỹ.

Vào ngày 23/2/2016, Unisplendour thông báo rằng, họ thà bỏ qua Western Digital còn hơn là phải trải qua sự “xem xét” của Uỷ ban Đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ (CFIUS). Uỷ ban này gồm 9 thành viên, trong đó Chủ tịch là Bộ trưởng Bộ Tài chính Jacob Lew, các thành viên khác là người đứng đầu các cơ quan Tòa án, An ninh nội địa, Thương mại, Quốc phòng và Năng lượng, cũng như các quan chức thuộc cơ quan Chính sách khoa học và công nghệ.

Với lý do ngăn cản các thỏa thuận ẩn chứa nguy cơ đe dọa tới an ninh quốc gia, CFIUS đã sử dụng sức mạnh của mình để quết định công ty nào của Mỹ có thể bị mua lại bởi các tổ chức nước ngoài. Trước Unisplendour, thỏa thuận bán 2,8 tỷ USD cổ phiếu thuộc lĩnh vực kinh doanh thiết bị chiếu sáng của Philips trong tháng 1/2016 đã thất bại, hay mới đây, hãng sản xuất chip Fairchild Semiconductor cũng phải từ chối lời mời mua lại từ một công ty Trung Quốc dưới tác động của CFIUS.

“Sự soi xét quá kỹ kế hoạch đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Mỹ là không công bằng và không phục vụ lợi ích của nước Mỹ”, tờ Global Times, một tờ báo thuộc sở hữu nhà nước tại Bắc Kinh bình luận vào ngày 25/2.

Tất nhiên, không phải thương vụ nào CFIUS cũng “gạt” sang bên. Trong năm 2015, cơ quan này đã đồng ý vụ mua lại OmniVision Technologies, nhà sản xuất camera sử dụng cho iPhone, trị giá 1,9 tỷ USD từ một công ty Trung Quốc. Một tập đoàn khác của Trung Quốc trong tháng 12 cũng đã thành công khi chi 790 triệu USD mua lại Milpitas, hãng thiết kế chip điện tử.

Mặc dù vậy, với sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ của các công ty Trung Quốc, “câu hỏi thực sự cần đặt ra là liệu CFIUS có khả năng để tiếp tục kiểm soát khối lượng công việc khổng lồ này hay không?”, hãng luật Covington & Burling kết luận trong báo cáo cuối tháng 2 vừa qua. Trong số 147 các đề xuất M&A, đầu tư mà CFIUS xem xét trong năm 2014 (số liệu thống kê năm gần nhất được công bố), 24 thương vụ là của Trung Quốc, theo báo cáo của CFIUS vào ngày 19/2. Như vậy, liên tục 3 năm, Trung Quốc luôn dẫn đầu các thương vụ đầu tư có phát sinh quan ngại về an ninh.

Trong tháng 1 và tháng 2/2016, các công ty Trung Quốc thông báo kế hoạch sẽ chi hơn 77 tỷ USD vào các thương vụ tại nước ngoài, mà tập trung chủ yếu là tại thị trường Mỹ.

Ngày 12/1, Dalian Wanda Group đồng ý bỏ ra gần 3,5 tỷ USD để mua lại Legendary Entertainment, nhà sản xuất phim Hollywood. Ngày 15/1, Qingdao Haier chấp thuận mua lại lĩnh vực kinh doanh thiết bị gia dụng của General Electric với giá 5,4 tỷ USD. Vào ngày 17/2, công ty vận tải và logistic Tianjin Tianhai Investment cho biết, sẽ chi 6,1 tỷ USD vào Ingram Micro, nhà phân phối thiết bị công nghệ tại California.

Trong thời gian tới, giới chức Mỹ sẽ còn phải “xem xét” nhiều hơn nữa các thương vụ thâu tóm từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Convinton cảnh báo, quá trình xem xét các thương vụ này sẽ trở nên nhạy cảm hơn vào thời điểm có những biến động chính trị xảy ra, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra. Theo hãng luật này, thời gian tới sẽ là thử thách đối với sự linh hoạt và khả năng của giới chức Mỹ trong việc thu hút và đối phó với “làn sóng” đầu tư từ Trung Quốc.

Tin bài liên quan