Số liệu sản xuất yếu kém vừa được Trung Quốc công bố là tin xấu mới nhất tác động mạnh tới thị trường tài chính toàn cầu trong tuần này. Trước đó, quốc gia này đã gây sốc khi hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ qua. Mối lo ngại về tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khiến nhiều thị trường chứng khoán rơi vào đà giảm. Mới đây nhất, chứng khoán Mỹ đã gia nhập vào xu thế này, với sự giảm mạnh của chỉ số S&P 500.
Thị trường chứng khoán của cả các nước phát triển và đang phát triển cùng chung xu hướng giảm. Đường màu xanh thể hiện diễn biến của chỉ số MSCI ACWI (MSCI All Country World Index)
Với việc hạ giá nhân dân tệ, Trung Quốc đẩy các quốc gia khác vào tình thế bất lợi, khi sức cạnh tranh của hàng hóa từ các quốc gia này giảm sút. Đầu tiên là Trung Quốc, sau đó tới Việt Nam và mới đây nhất là Kazakhstan hạ giá tiền tệ, các nhà đầut ư lo ngại sẽ có một cuộc chiến tiền tệ mới xảy ra tại các thị trường đang nổi.
Đồng ringgit của Malaysia hiện đang ở mức thấp nhất 17 năm qua, là đồng tiền nội tệ có màn biểu diễn tệ nhất trong tháng chỉ sau đồng ruble của Nga. Colombia, một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn, cũng đang chứng kiến cảnh đồng peso rơi xuống mức thấp chưa từng có.
Chỉ số tiền tệ MSCI Emerging Market liên tục tụt dốc
“Nỗi đau” mà thị trường hàng hóa phải gánh chịu có lẽ là lớn hơn cả, khi mà các số liệu cho thấy, tình hình sản xuất tại Trung Quốc đang ở mức yếu nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính xảy ra. Chỉ số Bloomberg Commodity giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002, trong khi giá dầu đã giảm liên tục trong 8 tuần, mức dài nhất trong vòng 3 thập kỷ qua. Đồng, niken, aluminum, thiếc, chì… hầu như tất cả các nguyên liệu thô đều trong đà tụt dốc.
Chỉ số hàng hóa Bloomberg rơi xuống mức thấp nhất 13 năm qua