Trung Quốc đã bảo vệ ngành công nghiệp ô tô như thế nào?

Trung Quốc đã bảo vệ ngành công nghiệp ô tô như thế nào?

(ĐTCK) Giới chức Trung Quốc bắt đầu có những bước can thiệp sâu hơn để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của họ bằng cách thực hiện những cuộc điều tra chống độc quyền chống lại những công ty đối thủ quốc tế.

Với doanh số bán hàng tăng xấp xỉ 10% trong tháng 7/2014 so với cùng kỳ năm 2013, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc chứng minh tốc độ tăng trưởng bền vững bất chấp những lo ngại về tác động tiêu cực của sự suy giảm kinh tế, trong khi cùng thuộc nhóm những quốc gia mới nổi có mức tăng trưởng mạnh BRIC, Brazil, Ấn Độ và Nga không thu về kết quả kinh doanh khả quan như kỳ vọng ban đầu.

Kể từ khi Trung Quốc mở cửa thị trường cho những đơn vị sản xuất xe hơi nước ngoài, quốc gia này đặt ra kỳ vọng doanh số xe hơi nội địa vượt các hãng nước ngoài. Tuy nhiên, với yêu cầu các hãng quốc tế phải trở thành đối tác của doanh nghiệp trong nước trong việc cung cấp sản phẩm ra thị trường nội địa, tạo áp lực khiến những cái bắt tay miễn cưỡng này hầu hết đều không đi đến thành công.

Hiện các hãng ô tô Trung Quốc chỉ chiếm 34,6% thị trường xe hơi nội địa trong tháng 7/2014, trong khi phần lớn lợi nhuận đều rơi vào tay những thương hiệu xe hơi nổi tiếng toàn cầu. Hệ quả này đi ngược lại so với mọi tính toán ban đầu của chính phủ Trung Quốc, và họ nhận ra rằng, doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước không thể theo kịp tốc độ của các hãng nước ngoài nếu không có sự giúp đỡ đặc biệt nào.

Kết quả là, giới chức Trung Quốc bắt đầu có những bước can thiệp sâu hơn để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của họ bằng cách thực hiện những cuộc điều tra chống độc quyền chống lại những công ty đối thủ quốc tế. 

Theo đó, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc phát hiện và đưa ra ánh sáng tên tuổi các hãng xe hơi nổi tiếng như Audi AG, BMW và Mercedes-Benz AG, khiến họ đồng loạt phải cắt giảm giá phụ tùng. 

Tuy vậy, chính phủ Trung Quốc không muốn thừa nhận cách làm này đang nhắm vào những tập đoàn đa quốc gia sau khi chứng kiến những con số lợi nhuận tăng quá mức trong ngành kinh doanh xe hơi cao cấp tại đây. Vì dù sao đi nữa, chính phủ nước này cần phải chịu trách nhiệm chính về mức giá xe hơi cao hiện nay khi nó bao gồm số tiền đóng thuế lớn trong đó. 

Bên cạnh đó, các hãng ô tô nước ngoài cũng không muốn làm “mất lòng” quan chức và sẵn sàng bớt chút lợi nhuận để có thể duy trì hoạt động ở mảnh đất màu mỡ rộng lớn này.

Về phía Cơ quan xúc tiến thương mại châu Âu, một báo cáo được vào thứ Tư tuần trước chỉ ra rằng, “có rất nhiều công ty Trung Quốc nằm trong diện bị điều tra vì những vi phạm về luật chống độc quyền”, song bên cạnh đó “cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đang tăng cường xem xét đặt câu hỏi, liệu các doanh nghiệp nước ngoài có là những đối tượng không tương xứng với những cuộc điều tra này?”. 

Chưa kể, những đại lý phân phối xe hơi hạng thường có vẻ sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của giới chức trách Trung Quốc khi những quan chức tại đây sẵn sàng công bố số lượng hàng tồn kho chất đống trong vòng 2 năm liên tiếp kể từ thời điểm Tân Hoa Xã phản ánh tình trạng này và đặt ra câu hỏi liệu số hàng này có đang nằm “trong khu vực nguy hiểm”?  

Chưa rõ về mặt nguyên tắc, quy định mới sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa nhà phân phối và nhà sản xuất ra sao, song rõ ràng đây sẽ là cơ hội tốt để tái cấu trúc ngành kinh doanh xe hơi nội địa theo hướng chú trọng đến người tiêu dùng nhiều hơn.

Mặc dù những can thiệp gần đây của chính phủ Trung Quốc được thực hiện thể theo phần đông ý kiến ủng hộ của người tiêu dùng và quy tắc chống độc quyền quốc tế, song cách làm này góp phần giúp Trung Quốc xây dựng môi trường cạnh tranh cao cho ngành công nghiệp ô tô của họ.

Tin bài liên quan