Triều Tiên lại khiến giới đầu tư lo sợ

Triều Tiên lại khiến giới đầu tư lo sợ

(ĐTCK) Thông tin Triều Tiên có thể phóng tên lửa đã khiến giới đầu tư thận trọng trong phiên thứ Năm (thông tin này sau đó đã trở thành sự thật) và được dự báo sẽ khiến chứng khoán toàn cầu chao đảo trong phiên cuối tuần.

Sau 2 phiên tăng điểm tích cực, phố Wall đã không còn giữ được sự đồng thuận trong phiên thứ Năm khi S&P 500 và Nasdaq quay đầu giảm điểm, trong khi nhờ đà tăng lên mức cao kỷ lục của cổ phiếu Boeing, chỉ số Dow Jones tiếp tục tăng lên mức cao mới.

Phố Wall điều chỉnh khi dữ liệu mới công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 của Mỹ tăng cao hơn dự kiến, làm gia tăng khả năng Fed tăng lãi suất thêm lần nữa trong năm nay.

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số CPI trong tháng 8 tăng 0,4%, mức tăng mạnh nhất trong 7 tháng. Dữ liệu này được công bố trước kỳ hợp tiếp theo của Fed, bắt đầu từ ngày 19/9.

Kết thúc phiên 14/9, chỉ số Dow Jones tăng 45,30 điểm (+0,20%), lên 22.203,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,75 điểm (-0,11%), xuống 2.495,62 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 31,1 điểm (-0,48%), xuống 6.429,08 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm trong phiên thứ Năm do ảnh hưởng từ đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu cung cấp cho Apple khi giới đầu tư thật vọng với việc phiên bản iPhone X mãi tới tận 3/11 mới giao hàng. Tuy nhiên, ngoại trừ chứng khoán Anh giảm mạnh do đồng bảng Anh tăng khi Ngân hàng Trung ương Anh cho biết, sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong 1 thập kỷ, chứng khoán Đức chỉ giảm nhẹ, thậm chí chứng khoán Pháp tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng và ngân hàng.

Kết thúc phiên 14/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 84,31 điểm (-1,14%), xuống 7.295,39 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 13,12 điểm (-0,10%), lên 12.540,45 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,61 điểm (+0,15%), lên 5.225,20 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm thứ 3 liên tiếp khi có thông tin khả năng Triều Tiên sẽ phóng tiếp tên lửa. Sau đó, nỗi lo này đã trở thành sự thật khi Triều Tiên lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua phóng tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Diễn biến này nhiều khả năng sẽ khiến chứng khoán Nhật Bản lao dốc trong phiên cuối tuần này.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ sau các dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc được công bố.

Cụ thể, dữ liệu vừa công bố cho thấy, đầu tư vào bất động sản của Trung Quốc, một động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế, đã chỉ tăng 7,8% trong 8 tháng đầu năm, mức thấp nhất kể từ tháng 12/1999.

Kết thúc phiên 14/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 58,38 điểm (-0,29%), xuống 19.807,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 116,88 điểm (-0,42%), xuống 27.777,20 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,72 điểm (-0,38%), xuống 3.371,43 điểm.

Sau 2 phiên giảm liên tiếp, giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm khi có thông tin về khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục phóng tên lửa.

Kết thúc phiên 14/9, giá vàng giao ngay tăng 6,5 USD/ounce (+0,49%), lên 1.329,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 2,2 USD/ounce (+0,17%), lên 1.329,3 USD/ounce.

Tương tự, nhu cầu gia tăng đã đẩy giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Năm, trong đó giá dầu thô Mỹ leo lại lên mức 50 USD/thùng, nhưng sau đó đã hạ nhiệt trở lại vào cuối phiên.

Kết thúc phiên 14/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,59 USD/thùng (+1,20%), lên 49,89 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,31 USD (+0,56%), lên 55,47 USD/thùng.

Tin bài liên quan