Tổng thống Donald Trump đang phát động “cuộc chiến tiền tệ”?

Tổng thống Donald Trump đang phát động “cuộc chiến tiền tệ”?

(ĐTCK) Dường như tiêu chí đánh giá nước Mỹ có được hưởng lợi từ thương mại quốc tế của Tổng thống Donald Trump càng ngày càng đơn giản: liệu Mỹ đang xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu?

Câu trả lời được ông Trump áp dụng đối với từng quốc gia. Nếu Mỹ thâm hụt tài khoản vãng lai song phương với một quốc gia, điều đó đồng nghĩa với việc quốc gia đó đang lấy đi việc làm của người dân Mỹ.

Trường hợp cụ thể như Mexico, ông Trump đe dọa sẽ áp đặt một hàng rào thuế rất cao. Số khác như Trung Quốc thì bị ông cáo buộc có hành vi thao túng tiền tệ. Điều này mở ra khả năng xảy ra xung đột tiền tệ, hay còn gọi là “cuộc chiến tiền tệ” trong tương lai.

Năm 2010, Guido Mantega, Bộ trưởng Tài chính Brazil từng cảnh báo về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến như vậy, khi châu Âu, Mỹ và Anh cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thông qua các chính sách tiền tệ cực lỏng, hạ thấp lãi suất và phá giá đồng nội tệ. Ngay cả chính sách chấn hưng kinh tế (Abenomics) của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2013 cũng hướng tới một đồng Yên thấp thông qua các biện pháp nới lỏng tiền tệ và cải cách cấu trúc.

Rủi ro xung đột tiền tệ đã tạm lắng xuống trong 3 năm qua, thì nay lại có nguy cơ bùng phát sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 năm ngoái. Đối với ông Trump, thương mại thế giới cũng như hoạt động kinh doanh, nếu bạn muốn có nhiều lợi nhuận, bạn sẽ phải bán nhiều hàng hóa hơn.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ông Trump coi cán cân thương mại song phương (thặng dư hay thâm hụt) là thước đo tốt nhất để đánh giá đó là mối giao thương tốt hay tồi tệ, qua đó ông đặt “tầm ngắm” vào Mexico, Trung Quốc, Đức hay Nhật Bản, những nền kinh tế có thặng dư thương mại cao với Mỹ.

Tại Trung Quốc, hoạt động kiểm soát tiền tệ thực tế đã diễn ra từ hàng chục năm trước, khi Trung Quốc duy trì được mức thặng dư tài khoản vãng lai lên tới 10% GDP và có thời điểm xây dựng được nguồn dự trữ ngoại hối tương đương 50% GDP. Bắc Kinh thường xuyên can thiệp mạnh mẽ vào thị trường ngoại tệ để ngăn chặn đồng Nhân dân tệ tăng giá.

Cho dù Trung Quốc không còn quá phụ thuộc vào thương mại thế giới như một động lực tăng trưởng của nước này, song Bắc Kinh vẫn thực hiện một số đợt can thiệp có quy mô lớn, với mục đích làm chậm đà tăng giá đồng nội tệ. Bên cạnh đó, Trung Quốc sở hữu mức thặng dư thương mại quá lớn đối với Mỹ, ước tính lên tới hơn 300 tỷ USD/năm. Do đó, ông Trump sẽ phải tìm cách để xây dựng một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có lợi cho Mỹ hơn.

Đối với Nhật Bản, chính sách kích thích kinh tế Abenomics ra đời là nguyên nhân chính khiến đồng Yên xuống giá hồi cuối năm 2012 và đầu năm 2013.

Điều đáng quan tâm là liệu Abenomics có được coi là một chính sách tiền tệ thông thường và hợp pháp, hay là một hình thức thao túng tiền tệ khác thông qua mở rộng tiền tệ một cách bất thường. Cho dù Nhật Bản không can thiệp vào thị trường tiền tệ quốc tế những năm gần đây, song chính sách lãi suất âm và nới lỏng định lượng mạnh mẽ của nước này đang đẩy chính sách tiền tệ tiến tới những giới hạn mới, thậm chí vượt xa khỏi giới hạn. Ngoài ra, tác động chính của Abenomics thể hiện rõ trên tỷ giá hối đoái, vốn được coi là lợi thế không nhỏ đối với kinh tế Nhật Bản.

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Donald Trump là người ưa thích các thỏa thuận thương mại song phương. Ông sẵn sàng áp đặt các hàng rào nhập khẩu đối với từng nước cụ thể, vốn được ông Trump coi là mục tiêu gây hại đối với thương mại quốc gia nói riêng và toàn bộ nước Mỹ nói chung. Việc ông Trump hủy bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng vì nó không có lợi cho thị trường lao động Mỹ và khiến một số lĩnh vực trong nước đứng trước nguy cơ suy giảm lợi nhuận.

Chính sách của Tổng thống Donald Trump đang tiềm ẩn những nguy cơ. Kế hoạch mở rộng tài khóa sắp tới có thể khiến đồng USD tăng giá mạnh hơn. Và nếu ông Trump tiếp tục theo đuổi việc áp đặt các hàng rào thuế quan, đồng USD cũng sẽ lên giá. Vì lẽ đó, thế giới có thể sẽ phải nghe cụm từ “chiến tranh tiền tệ” nhiều hơn trong tương lai.

Tin bài liên quan