Toàn cảnh lời giải Trung Quốc cho bài toán phương Tây của Nga

Toàn cảnh lời giải Trung Quốc cho bài toán phương Tây của Nga

(ĐTCK) Việc thách thức các cựu thù của mình ở Mỹ và châu Âu có thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin quay sang giúp đỡ cho sự trỗi dậy của đối thủ lớn nhất của mình ở phương Đông.

Bị cô lập bởi những gì liên quan đến Ukraine, Nga đang tính cậy nhờ vào Trung Quốc để có được những khoản đầu tư cần thiết nhằm ngăn chặn suy thoái, 3 nguồn tin thân cận, đề nghị  được giấu tên, cho biết. Điều này có nghĩa, Nga buộc phải cho phép Trung Quốc tiếp cận hai thứ mà nước này đang thèm muốn nhất: nguyên vật liệu thô và vũ khí tân tiến, hai nguồn tin cho biết.

Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào Trung Quốc có thể trở thành sự tăng cường vị thế cho nước láng giềng ở Thái Bình Dương, trong khi đẩy nhanh đà suy giảm kinh tế của chính nước này. Với đồng rúp đang ở gần mức thấp kỷ lục và đầu tư nước ngoài đang biến mất, việc thu hút nguồn tiền từ Trung Quốc có thể làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc của Nga vào tài nguyên thiên nhiên và phá hỏng những nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của chính phủ nước này.

“Giờ đây, với việc Putin thoát khỏi phương Tây và hướng về phương Đông, Trung Quốc đang tranh thủ tối đa hóa lợi ích của mình từ hoàn cảnh túng thiếu của Nga”, Masha Lipman, một nhà phân tích chính trị độc lập ở Moscow, đồng tác giả một công trình nghiên cứu về Putin với cựu đại sứ Mỹ Michael McFaul.

Trung Quốc đang tranh thủ lấp chỗ trống được tạo ra bởi việc đóng cửa các thị trường cho vay của Mỹ và châu Âu đối với các con nợ lớn nhất của Nga. Một phái đoàn Trung Quốc, dẫn đầu là Thủ tướng Lý Bằng, đã tới Moscow hôm Chủ nhật để ký kết hơn 50 thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng và tài chính, theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

“Đối tác chiến lược”

 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Nga 

Chuyến thăm 3 ngày của Thủ tướng Lý Khắc Cường nói trên “sẽ củng cố sự phát triển của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”, Thứ trưởng Ngoại giao Trình Quốc Bình nói với CCTV.

Việc Nga “ôm” lấy Trung Quốc phản ánh một thực tế rằng, nước này đã không rút kinh nghiệm kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô - khiến nền kinh tế - xã hội bị tán phá và làm xuất hiện các đầu sỏ chính trị thường xuyên xung đột với nhà nước. Không giống như năm 1991, người Nga hiện đoàn kết trong ủng hộ lãnh đạo của mình, và cùng với 455 tỷ USD dự trữ ngoại hối và vàng, nước này sẽ không bị đổ vỡ, theo Lipman, một chuyên gia kinh tế - chính trị ở Nga nhận định.

“Nền kinh tế Nga đã trở nên tồi tệ hơn nhiều kể từ đó, nhưng Nga cũng ở trong một vị trí địa chính trị tốt hơn nhiều do nước này nhận được sự ủng hộ của Mỹ và châu Âu”, Lipman nói. “Nhưng hiện tại, ông Putin đã chọn cách đối đầu và trở nên cô lập. Trung Quốc thì hoàn toàn vô cảm và thực dụng”.

Cuộc đua quân sự

Mối ràng buộc đang thắt chặt giữa hai trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể sẽ có ảnh hưởng lan rộng ra tầm khu vực khi ông Putin chuyển sang đáp ứng một trong những mục tiêu quân sự quan trọng của Trung Quốc: công nghệ tiên tiến.

Nga đang chuẩn bị ký các hợp đồng bán các giàn tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc ngay quý đầu năm sau, Vasily Kashin, một chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ ở Moscow, cho biết. Nga có thể cũng cung cấp cho Trung Quốc tàu ngầm thế hệ mới nhất, Amur 1650, Kashin nói thêm.

 Giàn phóng tên lửa S-400 của Nga

Điều này có thể kích thích một cuộc đua quân sự thường thấy ở Đông Á, Omar Lamrani, một nhà phân tích quân sự ở Stratfor, một công ty phân tích rủi ro địa chính trị của Mỹ, nói.

“Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và Việt Nam vốn lo ngại về sự phát triển quân sự của Trung Quốc và những quan ngại đó sẽ chỉ tăng lên nếu Trung Quốc nhận thêm các thiết bị quân sự từ Nga”, Lamrani nói.

Trò chơi ngoại tình

Hệ thống S-400, mà hiện chỉ Nga có, sẽ mở rộng vùng kiểm soát của Trung Quốc đối với toàn bộ không phận của Đài Loan, trong khi những chiếc Su-35 sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng công nghệ để tăng cường không lực của mình, Lamrani nói. Mặc dù Nga là một nhà cung cấp các thiết bị quân sự lớn cho Trung Quốc trong hàng thập kỷ qua, cho đến nay, nước này vẫn từ chối bán các hệ thống tốt nhất của mình, do Trung Quốc thường xuyên bắt chước công nghệ để tạo ra các sản phẩm nhái, Lamrani nói thêm.

Nga từ lâu đã bất đắc dĩ tăng cường sức mạnh quân sự cho nước láng giềng lớn gấp 4 lần về kinh tế và đông gấp 10 lần về dân số. Nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thay đổi tất cả và ông Putin giờ đang mạo hiểm với một trò mà ông không quen chơi: ngoại tình, Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng, một cơ quan cố vấn cho chính phủ Nga, bình luận.

“Mới nhìn thì việc Nga chuyển hướng sang Trung Quốc chỉ là một trong vài sự lựa chọn, nhưng sự việc sẽ hoàn toàn khác nếu bạn phải lệ thuộc vào Trung Quốc vì những lý do chính trị”, ông Lukyanov nói. “Có một rủi ro cho Nga là nước này có thể rơi vào thế ‘nằm dưới’ tầm ảnh hưởng của Trung Quốc”.

Nhưng mặc dù có ít lựa chọn ở thế giới bên ngoài, sức mạnh của Tổng thống Putin vẫn thực sự không có giới hạn ở trong nước. Tỷ lệ ủng hộ ông đang ở mức cao khoảng 90% và niềm tin trong quân đội đang ở đỉnh cao như thời Liên Xô cũ.

Hợp đồng “trọng đại”

Tuy nhiên, Trung Quốc đã vừa đạt được một mục tiêu chiến lược: nguồn cung khí từ Nga. Tổng thống Putin đã chấm dứt hơn 1 thập kỷ đàm phán bằng một thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD, kéo dài 30 năm, tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Trung Quốc hồi tháng 5. Ông Putin gọi hợp đồng giữa Tập đoàn nhà nước OAO Gazprom và đối tác Trung Quốc của nó là “trọng đại”.

 Gazprom  vừa ký một hợp đồng cung cấp khí trị giá 400 tỷ USD với đối tác Trung Quốc

Một dấu hiệu của sự “quan trọng” mà ông Putin đang dùng nó để “ve vãn” Trung Quốc, nước lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, là việc bổ nhiệm một trong những trợ thủ được ông tin tưởng nhất, tỷ phú Gennady Timchenko, vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Nga - Trung.

“Thái độ hướng Trung đã trở nên nghiêm túc và thân thiết hơn” kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Boris Titov, người tiền nhiệm của ông Timchenko ở Hội đồng Kinh doanh Nga - Trung, nói.

Vấn đề cấp thiết

Việc mở rộng liên kết thương mại với Trung Quốc, vượt qua Đức trở thành đối tác lớn nhất của Nga trong năm 2011, là sống còn cho Nga ngay cả trước khi cuộc chiến ly khai ở Ukraine nổ ra, nhưng nó đã trở thành một vấn đề cấp thiết sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu đóng cửa các thị trường nợ của họ đối với Nga, ông Titov nhận xét.

Trước khi có các biện pháp trừng phạt, Nga vẫn thắt chặt kiểm soát các hoạt động đầu tư từ Trung Quốc, với những dự án lớn nhất được giám sát bởi những người có quyền tiếp cận trực tiếp với Tổng thống Putin, như ông Timchenko.

Năm ngoái, Trung Quốc đã mua lại 12,5% cổ phần của OAO Uralkali, nhà sản xuất hợp chất ka-li lớn nhất nước Nga và Công ty Dầu lửa quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã đồng ý thanh toán lại cho OAO Rosneft khoảng 70 tỷ USD như một phần trong hợp đồng cung cấp 25 năm, trị giá 270 tỷ USD. Tiếp theo đó, Rosneft ký một hợp đồng trị giá 85 tỷ USD, kéo dài 10 năm với Công ty Hóa dầu Trung Quốc và CNPC mua lại 20% một dự án khí Bắc Cực từ OAO Novatek.

Tất cả các hợp đồng trên đều có liên quan đến các thành viên thận cận của Tổng thống Putin: Chủ tịch Sergey Chemezov của Uralkali, người được ông Putin biết đến ít nhất từ thập kỷ 1980, khi cùng sống trong một khu liên hợp ở Dresden, Đức, thời Tổng thống tương lai còn là một đặc vụ KGB; ông Timchenko, cổ đông lớn của Novatek và ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành Rosneft, người đã làm việc cho Tổng thống 20 năm nay.

Dỡ bỏ rào cản

Đầu năm nay, khi các công ty trở nên rất cần tiền, Nga đã bắt đầu bãi bỏ một số hạn chế để mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng đến từ Trung Quốc, mặc dù tiếp tục bảo vệ các dự án nhất định, bao gồm vàng, platinum, kim cương và công nghệ cao, hai quan chức cao cấp của chính phủ cho biết hồi tháng 5.

“Một số rào cản tương đối quan trọng đã được dỡ bỏ sau khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu”, ông Titov nói.

Tổng thống Nga dường như cũng nhận được ủng hộ ở Trung Quốc, nơi các phương tiện truyền thông nhà nước tán dương thái độ thách thức Mỹ của ông. Một nghiên cứu được thực hiện hồi tháng 7 cho thấy, có 66% người Trung Quốc được hỏi ủng hộ Nga, tăng từ mức 49% một năm trước đó và là tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong số 44 quốc gia được khảo sát, xếp sau Việt Nam và chính nước Nga. Truyền hình nhà nước Nga đã đáp lễ trong tháng trước bằng cách cáo buộc Mỹ xúi giục biểu tình ở Hồng Kông.

Tiếp xúc cá nhân

Ông Putin đã có 9 lần tiếp xúc với ông Tập Cận Bình kể từ khi ông Tập trở thành lãnh đạo tối cao Trung Quốc

Khi ông Putin lên nắm chính quyền vào năm 2000, Nga nhập khẩu chưa đến 1 tỷ USD từ Trung Quốc mỗi năm, trong khi xuất khẩu gần 6 tỷ USD sang nước láng giềng phía Đông, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Sự thặng dư đó đã biến thành thâm hụt, với việc nhập khẩu từ Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 53 tỷ USD trong năm ngoái, so với mức dưới 40 tỷ USD hàng hóa Nga xuất vào Trung Quốc.

Đối với Tổng thống Putin 62 tuổi, mối quan hệ với Trung Quốc đang ngày càng trở nên cá nhân. Ông Putin đã gặp người đồng nhiệm Tập Cận Bình 9 lần kể từ khi ông Tập lên lãnh đạo Trung Quốc.

“Mối quan hệ của chúng ta là tốt nhất trong số các cường quốc”, ông Tập Cận Bình, 61 tuổi, nói với các sinh viên ở Moscow hồi tháng 3 năm ngoái, trong chuyến công du đầu tiên trong vai trò Chủ tịch Trung Quốc của mình. Mối quan hệ này giúp “bảo đảm” cho hòa bình thế giới, ông Tập nói.

Các giao dịch đồng nhân dân tệ trên thị trường hối đoái Moscow, thị trường bên ngoài Trung Quốc đầu tiên cung cấp các giao dịch (có kiểm soát) đối với đồng tiền này, đã tăng 50% trong tháng 9 so với tháng 8, lên mức tương đương 1,1 tỷ USD, theo dữ liệu của thị trường này. Mặc dù vẫn khiêm tốn so với mức 367 tỷ USD giao dịch hoán đổi đô la - rúp trong tháng 8, nhưng các nhà nhập khẩu hiện thanh toán 8% cho tất cả các hàng hóa Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ, thay cho đồng đô la, từ mức 2% của 4 năm trước.

Những đồng Rúp thô

Giao dịch tiền tệ trên sẽ tăng theo cấp số mũ nếu Nga quyết định, do nước này hiện đang tranh cãi, chấp thuận đồng nhân dân tệ trong thanh toán hợp đồng khí trị giá 400 tỷ USD của Gazprom, 4 quan chức cấp cao và các giám đốc điều hành, đề nghị được giấu tên, cho biết.

Trung Quốc cũng đang bắt đầu đưa đồng USD ra khỏi các giao dịch với Nga. Công ty con của Gazprom, OAO Gazprom Neft, đã bắt đầu bán dầu thô cho Trung Quốc và thu về tiền rúp, ông Putin cho biết hôm 2/10.

 Đồng rúp đã mất giá 14% so với USD trong quý III/2014

Tuy nhiên, để thuyết phục Trung Quốc chuyển sang thanh toán nhiều hơn bằng đồng rúp là một nhiệm vụ khó khăn sau khi đồng tiền này trượt giá 14% so với đồng USD trong quý III vừa qua, mức giảm lớn nhất trong số các đồng tiền toàn cầu mà Bloomberg theo dõi. Dự trữ ngoại tệ và vàng của Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm hơn 50 tỷ USD trong năm nay, một phần do những nỗ lực bảo vệ đồng tiền này.

Trung Quốc về cơ bản vẫn thèm muốn nguyên liệu thô và không sẵn sàng giúp Nga đa dạng hóa nền kinh tế, theo Alexei Maslov, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu châu Á của Đại học Kinh tế Moscow.

“Tranh thủ thời cơ”

“Một ưu tiên hàng đầu của Nga là đa dạng hóa thương mại vì 70% xuất khẩu của nước này là nguyên liệu thô”, ông Maslov nói. “Chúng tôi muốn cắt giảm tỷ lệ này, nhưng Trung Quốc không muốn thế”.

Trung Quốc cho đến nay không có động cơ để đáp ứng mong muốn của Nga. Dù ông Putin kỳ vọng thương mại song phương sẽ tăng từ khoảng 90 tỷ USD trong năm ngoái lên hơn 100 tỷ USD vào năm tới, nhưng con số đó vẫn chỉ chiếm 2% kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu của Trung Quốc và 20% trao đổi mậu dịch Mỹ - Trung, theo Maslov.

Người Trung Quốc là những nhà đầu tư cứng rắn và kiên trì và hiểu rõ nhu cầu tiền ngày càng tăng của Nga và đang đứng ngoài các cuộc thâu tóm lớn, ông Maslov cho biết. Trung Quốc chỉ chiếm 2,5%, hay 3 tỷ USD, trong tổng đầu tư nước ngoài vào Nga trong năm ngoái.

“Họ sẽ tân dụng cơ hội từ tình hình hiện nay”, Maslov nói. “Trước đây vẫn có một đối thủ đến từ phương Tây, nhưng giờ thì không, bởi vậy, Trung Quốc sẽ tận dụng vị thế không thể tranh cãi của mình”.

Khác biệt văn hóa

Titov, một thanh sát viên, nói rằng, một trong những rào cản đối với việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc là văn hóa.

Người Nga đã quen với phong cách của các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu, với việc các luật sư là người soạn thảo ra các hợp đồng, trong khi người Trung Quốc không có thói quen tin tưởng nhiều vào những cam kết được viết ra, Titov nhận xét.

“Chúng tôi sẽ phải học nhiều điều mới để làm việc với người Trung Quốc”, Tivov nói.

Bất biết phong cách làm việc của người Trung Quốc được miêu tả thế nào, nhưng rõ ràng là họ vẫn thành công nhiều hơn người Nga.

Năm 1979, năm đầu tiên cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình, sản lượng của Trung Quốc chỉ bằng 40% của Liên Xô thời đó, theo một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Cải cách châu Âu. Nhưng đến năm 2010, GDP của Trung Quốc đã cao gấp 4 lần GDP của Nga.

 Sản lượng của Trung Quốc tính đến năm 2010 đã cao gấp 4 lần của Nga

Cách biệt này mang lại cho ông Tập Cận Bình một “cửa trên” trong quan hệ với ông Putin, người hiện hầu như không có sự lựa chọn, theo Ja Ian Chong, một giáo sư chính trị của Đại học Quốc gia Singapore.

“Nga chỉ quan trọng với châu Á bởi hai lý do: nguồn cung năng lượng và nhà cung cấp vũ khí”, Ian Storey, một chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói. “Và mặc dù mối quan hệ Nga - Trung có đang được tăng cường, nó cũng chỉ là một đám cưới vụ lợi hơn là một hôn nhân dựa trên tình yêu, với sự nghi ngờ đến từ cả hai”.

Tin bài liên quan