Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tình trạng vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng tệ

(ĐTCK) Tình trạng không trả được nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày càng lan rộng, hiện đã chạm tới các khoản nợ trái phiếu bằng ngoại tệ, chủ yếu thuộc về các chủ nợ là nhà đầu tư nước ngoài.

Trong 6 tháng tính tới tháng 6/2018, các doanh nghiệp Trung Quốc đã mất khả năng trả các khoản nợ trái phiếu bằng đồng nội tệ với giá trị ít nhất 20,7 tỷ Nhân dân tệ (3,19 tỷ USD) và khoảng 350 triệu USD nợ bằng đồng USD, tăng 40% so với cùng thời gian năm ngoái, theo số liệu tổng hợp bởi Shanghai DHZ và nhiều nguồn khác.

Nguyên nhân chính xuất phát từ chiến dịch kiểm soát chặt tình trạng sử dụng đòn bẩy và chính sách mạnh tay với lĩnh vực ngân hàng trong bóng tối (shadow banking) của Chính phủ Trung Quốc.

Dự báo con số vỡ nợ năm 2018 có thể vượt qua kỷ lục đã được thiết lập năm 2016. Chưa kể, thị trường chứng khoán Đại lục năm nay đang theo đà xuống dốc, khiến tình trạng thanh khoản kém hơn, tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Điển hình, CEFC Shanghai International Group, vốn đã mất khả năng trả 2,1 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu đến hạn vào tháng 5/2018, sẽ tiếp tục lao đao khi một khoản 2 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu khác sẽ đến hạn vào cuối tháng 6 này. Không ít doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang ở tình trạng tương tự.

Đáng lo ngại hơn khi nỗi ám ảnh vỡ nợ bắt đầu lan rộng ra đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc đã đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ kể từ năm 2017, khi các chính sách tín dụng trong nước trở nên khắc nghiệt hơn. Trong 4 tháng tính tới tháng 4/2018, các công ty Trung Quốc đã phát hành được hơn 87 tỷ USD trái phiếu bằng đồng USD, tăng mạnh so với mức 30,9 tỷ USD cùng thời gian năm ngoái.

Mới đây, Tập đoàn Năng lượng và hóa chất Trung Quốc - doanh nghiệp có vốn nhà nước - cho biết, Công ty không đủ khả năng trả các khoản nợ bằng đồng USD. Đại diện chủ nợ quốc tế, bao gồm các tổ chức tài chính lớn từ Hàn Quốc, đã tới trụ sở doanh nghiệp và bắt đầu thảo luận về các vấn đề thanh lý nợ.

Tình trạng vỡ nợ liên tục xảy ra làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng tới các thị trường tài chính Đại lục, nhất là khi tính tới cuối tháng 5/2018, giá trị các khoản trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành chưa đến hạn đạt mức 19,14 nghìn tỷ Nhân dân tệ, theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).

Trong bối cảnh đó, vào giữa tháng 6/2018, BPOC đã quyết định giảm nhẹ các điều kiện cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp. Cụ thể, PBOC sẽ chấp nhận cho vay với các khoản nợ doanh nghiệp được xếp hạng AA+ hoặc AA bởi các công ty xếp hạng nội địa, thay vì chỉ cho vay với khoản nợ được xếp hạng AAA như trước đây.

Trong khi đó, hơn 90% trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc đang được xếp hạng AA hoặc cao hơn tại thị trường nội địa, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Việc được ngân hàng trung ương cho phép mua các khoản nợ với xếp hạng thấp hơn có thể cổ vũ các nhà băng khác tìm kiếm cơ hội thu lời từ thị trường nợ khổng lồ này.

Tuy nhiên, mối lo lắng về tình trạng vỡ nợ gia tăng có thể khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc tìm người mua trái phiếu, nếu không được xếp hạng tín dụng AAA. Chưa kể, nhà đầu tư quốc tế tỏ ra không yên tâm bởi việc nới lỏng của PBOC có thể đẩy tình trạng vỡ nợ xấu hơn nữa, khi nhiều doanh nghiệp lại lún sâu hơn vào các khoản nợ.

Tin bài liên quan