Tin đồn Nga đóng cửa khẩu vốn khiến đồng Rúp mất giá kỷ lục

Tin đồn Nga đóng cửa khẩu vốn khiến đồng Rúp mất giá kỷ lục

(ĐTCK) Đồng Rúp (ruble) đã chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD sau khi thị trường lo ngại về hoạt động kiểm soát vốn.

Đồng tiền của Nga đã chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD hôm thứ Ba sau khi có những tin đồn rằng, Ngân hàng Trung ương Nga đang xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn dòng tiền chạy khỏi nước này.

Đồng ruble đã giảm 0,8% xuống còn 39,65 RBS/USD sau khi Bloomberg cho biết, các biện pháp nói trên đã ở trên bàn làm việc của Ngân hàng Trung ương Nga, theo hai nguồn tin (đề nghị được giấu tên) thân cận. Nếu so với rổ USD + EUR thì đồng ruble đã xuống thấp hơn chút ít so với mức khi bắt đầu xuất hiện tin đồn về sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nga.

Ngân hàng Trung ương Nga đã bác bỏ tin đồn trên, nói rằng, Ngân hàng không xem xét đưa ra bất kỳ hạn chế nào đối với các dòng vốn xuyên biên giới. Thống đốc Elvira Nabiullina trong tuần trước cũng cho biết, các biện pháp kiểm soát vốn là vô nghĩa, nhưng cảnh báo rằng, nếu dòng vốn chảy ra mạnh lên, Ngân hàng buộc phải thay đổi mục tiêu chính sách từ chống lạm phát sang ổn định tài chính, và có thể sử dụng “các biện pháp phi chuẩn”.

Bất kỳ hành động bảo vệ đồng ruble mới nào cũng sẽ là một sự thay đổi chính sách đột ngột của Ngân hàng Trung ương Nga. Ngân hàng đã không can thiệp vào các thị trường tiền tệ từ vài tháng nay, bất chấp việc đồng ruble trượt giá không phanh. Thay vào đó, Ngân hàng đã mở rộng biên độ giao dịch, cho phép đồng ruble có thể dao động với biên độ mạnh hơn trong ngày, một dấu hiệu cho thấy, Ngân hàng đang cố gắng đáp ứng thời hạn tự do hóa đồng tiền vào tháng 1 năm sau.

Tuy nhiên, có sự lo lắng đang tăng lên về tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, sau khi nước này sáp nhập một phần lãnh thổ của Ukraine và tiếp tục mâu thuẫn chính trị với cựu thành viên Xô Viết này.

Nga đã dự đoán dòng vốn sẽ tăng tốc chảy ra khỏi nước này kể từ khi Mỹ và châu Âo áp dụng các biện pháp trừng phạt. Ksenia Yudaeva, Thống đốc đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Nga, tuần trước đã ước tính, dòng vốn chạy khỏi nước Nga trong năm nay sẽ rơi vào khoảng 90 - 100 tỷ USD, nhưng theo ông Alexei Vedev, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nga, con số này có thể đạt đến 120 tỷ USD.

Các quan chức Chính phủ Nga cũng nhấn mạnh lo ngại về việc đồng ruble mất giá - và đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương tăng cường các biện pháp mà Ngân hàng đã áp dụng gần đây để xử lý tình trạng khan hiếm tạm thời đồng USD.

Tom Levinson, Chiến lược gia của Sberbank, nói rằng, công cụ hoán đổi USD-RBS qua đêm đã giúp các công ty có được một nguồn USD, nhưng phí hoán đổi vẫn tương đối cao và mức độ còn hạn chế.

Việc khan hiếm nguồn USD có thể đang khiến các ngân hàng cắt bớt hoạt động cho vay, một nhà phân tích khác nhận xét, lấy dẫn chứng là mức giảm 30% doanh số bán xe so với cùng kỳ năm ngoái. “Rất có thể đang có một cuộc khủng hoảng tín dụng… Rõ ràng các biện pháp trừng phạt đang có tác động nhiều hơn mọi người nghĩ”, ông nói thêm.

Đồng ruble đã tăng lại chút ít trong ngày cuối tháng 9, nhưng vẫn giảm khoảng 6% so với đồng USD trong tháng này và đã mất gần 1/5 giá trị so với đồng bạc xanh kể từ đầu năm nay. Mức giảm này chỉ thua kém đồng peso của Argentina - mất 20% giá trị chỉ trong tháng đầu năm.

Tin bài liên quan