Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tiền điện tử và hội chứng uất kim hương

(ĐTCK) Tính tới cuối tuần trước, bitcoin đã giảm giá 5 ngày liên tiếp, đà giảm dài nhất trong hơn 1 năm qua, sau khi một trong những sàn giao dịch online lớn nhất Trung Quốc cho biết họ sẽ tạm ngừng giao dịch đồng tiền này cho tới cuối tháng 9. Nguyên nhân là bởi chính quyền Đại lục có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn với các loại tiền điện tử.

Trung Quốc thắt chặt giao dịch bitcoin

Kể từ ngày 15/9, BTC ngừng chấp nhận các tài khoản mới đăng ký vào sàn BTC China Exchange, Giám đốc cấp cao Bobby Lee nói và cho biết thêm, quyết định này được đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng cảnh báo của giới chức Đại lục ngày 4/9 về những dấu hiệu hoạt động ngoài quy định pháp luật của các đồng tiền điện tử. BTC China Exchange là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất Trung Quốc.

Thực tế, giá trị các đồng tiền điện tử đã giảm khoảng 28% kể từ ngày 7/9 cho tới nay, giao dịch ở mức 3.077,55 USD/1 bitcoin. Mặc dù vậy, từ đầu năm tới nay, giá trị các đồng tiền này đã tăng gấp 4 lần nhờ có phương pháp mới đẩy nhanh quá trình giao dịch, những bất ổn chính trị gia tăng trên toàn cầu và thị trường châu Á gia tăng mức độ quan tâm.

Hiện tại, Trung Quốc chiếm khoảng 23% lượng giao dịch bitcoin, đồng thời cũng là quê nhà của những thợ đào bitcoin lớn nhất trên thế giới, những người sử dụng các mạng máy tính để đào và đảm bảo các giao dịch đối với tiền điện tử. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch cấm giao dịch bitcoin và các đồng tiền điện tử khác tại các sàn giao dịch nội địa, theo Bloomberg.

Tương tự, Cơ quan Dịch vụ tài chính Thượng Hải cũng đã yêu cầu tạm dừng các nền tảng giao dịch bitcoin tại thành phố này, theo China Business News.

Trước diễn biến này, các thành viên thị trường kỳ vọng, chính quyền Trung Quốc sẽ cho phép mở cửa lại các sàn giao dịch tiền điện tử vào cuối năm nay, khi giới chức có các biện pháp hiệu quả hơn để quản lý lĩnh vực này.

Matt Roszak, Chủ tịch Hội Thương mại điện tử có trụ sở tại Washington và là một nhà đầu tư tại BTC China cho biết, ông chờ đợi các sàn giao dịch sẽ nối lại hoạt động trước cuối năm nay.

“Đây là kỳ vọng dựa trên những thảo luận trong hàng tháng qua. Chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị để cung cấp giấy chứng nhận cho một số ít sàn giao dịch, nhằm nắm lấy cơ hội tại thị trường giao dịch tiền điện tử có tốc độ tăng trưởng chóng mặt này. Các giấy phép và cam kết đồng hành của chính phủ sẽ giúp ngành công nghiệp này phát triển nhanh hơn nữa”, Roszak cho biết.

“Bitcoin là gian lận”

Tuần vừa qua không phải là quãng thời gian dễ dàng đối với bitcoin nói riêng và các đồng tiền điện tử nói chung, khi liên tiếp có các thông tin ảnh hưởng tiêu cực tới diễn biến thị trường. Bên cạnh diễn biến tại Trung Quốc, phát ngôn của CEO JPMorgan Chase & Co Jamie Dimon cũng khiến thị trường dậy sóng.

Cụ thể, tại hội nghị nhà đầu tư tổ chức ở New York, vị CEO này cho biết, “nếu một nhân viên JPMorgan bắt đầu giao dịch bitcoin, tôi sẽ sa thải ngay lập tức vì 2 lý do. Thứ nhất, nó đi ngược quy định của chúng tôi và thứ hai, đó là một kẻ ngốc. Cả 2 yếu tố này đều gây nguy hiểm”.

Đối với Jamie Dimon, các đồng tiền điện tử “sẽ không kết thúc tốt đẹp”, bởi nó chỉ là chuỗi các hành vi gian lận và sẽ để lại hậu quả còn hơn cả “hội chứng hoa tulip”. Theo đó, hội chứng hoa tulip (còn gọi là bong bóng uất kim hương) là một giai đoạn trong thời kỳ hoàng kim của Hà Lan, khi giá thỏa thuận của một củ tulip lúc mới xuất hiện tăng vọt bất thường rồi đột ngột sụp đổ.

Khi cơn sốt hoa tulip lên tới đỉnh điểm vào đầu năm 1637, 1 củ hoa tulip được bán với giá gấp hơn 10 lần thu nhập cả năm của 1 thợ thủ công lành nghề. Sau một khoảng thời gian tăng chóng mặt, giá củ hoa tylip đột nhiên rơi xuống chỉ còn khoảng 1% so với trước đó. Đây được coi là bong bóng đầu tư đầu tiên được ghi lại trong lịch sử.

Vị lãnh đạo JPMorgan nhấn mạnh, ông sẽ không tham gia vào thị trường bitcoin, bởi không thể nói rõ đồng tiền này sẽ lên cao tới mức nào trước khi sụp đổ.

Tin bài liên quan