Thủ phạm chính của mất cân bằng toàn cầu

Thủ phạm chính của mất cân bằng toàn cầu

(ĐTCK) Đối tác lớn nhất gây ra thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ không phải Trung Quốc mà là tập hợp các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ, những nước vẫn đang hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao.

Trung Quốc, nước xưa nay vẫn ở trung tâm của các cuộc tranh luận về những mất cân bằng toàn cầu, có thặng dư tài khoản vãng lai giảm sâu trong vài năm qua. Đây có lẽ là một tin tốt với không ít người. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ là thủ phạm chính gây ra sự mất cân đối kinh tế ở mức độ toàn cầu. Đối tác lớn nhất gây ra thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ là tập hợp các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ, những nước vẫn đang hưởng lợi từ việc giá dầu tăng cao.

Năm nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ sẽ đạt được mức thặng dư kỷ lục 740 tỷ USD, 3/5 trong số đó thuộc về Trung Đông. Đứng cạnh con số này, mức thặng dư của Trung Quốc, được dự báo khoảng 180 tỷ USD, trở nên nhỏ bé. Từ năm 2000 đến nay, mức thặng dư lũy kế của các nước xuất khẩu dầu mỏ đã vượt qua con số 4.000 tỷ USD, gấp đôi số cộng dồn của Trung Quốc.

Lý do để con số khổng lồ này ít bị chú ý hơn so với con số của Trung Quốc là, chỉ một phần nhỏ trong đó có mặt trong những khoản dự trữ chính thức. Hầu hết ẩn trong những khoản đầu tư không rõ ràng của các chính phủ. Hoạt động mua trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Đông thường được thực hiện thông qua các trung gian ở London (Anh), để che giấu đi quyền sở hữu thực sự của họ. Rất nhiều tiền đã được đầu tư vào cổ phiếu, các quỹ đầu cơ và bất động sản, nơi mà quyền sở hữu khó để lại dấu vết.

Thặng dư tài khoản vãng lai của một số nước: số tuyệt đối (tỷ USD) - trái và % GDP - phải

 

Thặng dư của các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng đang nở ra một cách ổn định hơn nhiều so với những lần bùng lên sau các cú sốc giá dầu trước đây. Điều này một mặt do sự thắt lại của các nguồn cung dầu, mặt khác do các nhà xuất khẩu dầu dè xẻn hơn với số tiền thu được từ xuất khẩu để chi tiêu cho nhập khẩu.

Ảnh hưởng của giá dầu cao đối với nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào việc các nước xuất khẩu dầu có chịu móc hầu bao hay là “găm” lại những đồng “đô la dầu mỏ” của họ. Nếu họ tái quay vòng những đồng đô la đó thông qua việc mua sắm nhiều hơn từ các nước nhập khẩu dầu, tổng cầu của toàn cầu sẽ tăng lên. Nhưng nếu họ cất chúng trong những tài khoản tiết kiệm, thu nhập sẽ được chuyển dịch một cách thường xuyên từ các nước tiêu dùng dầu sang các nước sản xuất dầu, đồng thời làm giảm tổng cầu của thế giới. Sau các cú sốc giá dầu những năm 1970, 70% trong doanh thu xuất khẩu dầu mỏ được các nước xuất khẩu dầu dùng để nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Nhưng trong 3 năm gần đây, tỷ lệ này giảm xuốn dưới 50%, IMF cho biết.

Ngoài ra, bất cứ việc quay vòng đồng “đô la dầu mỏ” nào, nếu xảy ra, cũng được phân bổ không đồng đều. Các nhà xuất khẩu dầu mua hàng hóa và dịch vụ từ châu Âu và châu Á nhiều hơn rất nhiều so với từ Mỹ. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), với mỗi đô la mà người Mỹ dùng để nhập khẩu dầu từ các nước OPEC trong năm ngoái, chỉ 34 cent (1 đô la = 100 cent) quay lại Mỹ để mua hàng hoá của nước này, trong khi con số tương tự đối với Liên minh châu Âu là hơn 80 cent và với Trung Quốc là 64 cent. Có thể hiểu rằng, các nước sản xuất dầu mỏ không muốn lặp lại những sai lầm của thời kỳ trước, khi tiêu dùng tăng cùng với giá dầu chỉ để lại phía sau những tài khoản thâm hụt lớn khi giá dầu giảm sau đó.

Ả-rập Xê-út là một ví dụ, cán cân vãng lai của nước này đã thay đổi từ mức thặng dư 26% GDP năm 1980 thành thâm hụt 13% năm 1983. Các nước xuất khẩu dầu muốn duy trì thặng dư cán cân vãng lai như là một tấm đệm an toàn cho trường hợp giá dầu giảm hay các giếng dầu khô cạn. Mức thặng dư từ 5 – 7% GDP được Nga, Nigeria và Venezuela duy trì có vẻ khá mong manh, nhưng một số nước khác lại quá thận trọng. Mức thặng dư của A-rập Xê-út có thể đạt 28% GDP trong năm nay, hay Cô-oét còn lên tới 46%.

Thông thường, một cán cân vãng lai thặng dư nhiều sẽ bị xói mòn theo thời gian bởi tiêu dùng trong nước mạnh lên và tỷ giá hối đoái cao hơn. Nhưng những đồng tiền của Vùng Vịnh đã bị cố định hoặc bị neo chặt vào đồng đô la. Hơn 10 năm qua, tỷ giá thực tế của đồng tiền các nước này chỉ đi ngang hoặc xuống dốc. Một tỷ giá hối đoái thả nổi có thể dẫn đến những biến động thái quá và ngăn cản sự đa dạng hóa của các nền kinh tế này (do làm cho các ngành khác kém cạnh tranh hơn khi đồng tiền tăng giá), nhưng chỉ cần uyển chuyển hơn một chút, có lẽ sẽ giúp ích cho quá trình cân bằng lại nền kinh tế toàn cầu.

Một nghiên cứu năm 2009 của IMF đã kết luận rằng, sự tăng lên của tỷ giá không thể tác động nhiều đến cán cân vãng lai của các nước xuất khẩu dầu. Các tác giả ước tính rằng, tỷ giá có tăng đến 100% cũng chỉ khiến thặng dư giảm đi 2,5% GDP. Lý do là tỷ giá thay đổi không ảnh hưởng gì đến doanh thu bán dầu, vì nó được định giá bằng đồng đô la, và vì quy mô hàng nhập khẩu choán vị của các hàng hóa trong nước là không đáng kể.

Công cụ chính sách hiệu quả nhất để giảm thặng dư cán cân vãng lai của các nước xuất khẩu dầu mỏ là chi tiêu công vào các hàng hoá và dịch vụ nước ngoài. Tăng chi tiêu công cũng có thể giúp các nền kinh tế này đa dạng hóa khỏi dầu mỏ, hỗ trợ sự phát triển kinh tế trong tương lai và tạo thêm việc làm cho dân số trẻ, đang tăng lên ở các nước này.