Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Thỏa thuận nợ Hy Lạp được thông qua, chứng khoán khởi sắc

(ĐTCK) Một thỏa thuận về vấn đề nợ Hy Lạp nhằm giúp nước này tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng euro đã được các lãnh đạo châu Âu đưa ra hôm thứ Hai sau cuộc họp kéo dai dẳng. Thị trường chứng khoán toàn cầu ngay lập tức phản ứng tích cực với thông tin này, trong khi vàng không mấy vui vẻ.

Hôm thứ Hai (13/7), sau 17 giờ đàm phán các nhà lãnh đạo châu Âu đạt đến một thỏa thuận về các điều kiện cho chương trình viện trợ cho Hy Lạp, tránh cho nước này trước nguy cơ vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng euro. Theo đó, châu Âu sẽ cung cấp gói tài trợ tài chính mới có thời hạn 3 năm cho Hy Lạp, đổi lại, Quốc hội nước này trong cuộc họp vào thứ Tư (15/7) phải tăng thuế và các điều kiện khác từ phía chủ nợ quốc tế.

Sau thỏa thuận này của các nhà lãnh đạo châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu  (ECB) cũng đã quyết định giữ nguyên khoản hỗ trợ tín dụng cho Hy Lạp, được biết đến với tên gọi Hỗ trợ Thanh khoản khẩn cấp (ELA), ở mức khoảng 89 tỷ euro (tương đương 99 tỷ USD).

ECB đã giữ nguyên định mức ELA kể từ ngày 27/6, nhưng tuần qua đã thắt chặt các điều kiện đối với các ngân hàng của Hy Lạp để có thể tiếp cận sự cứu trợ này.

Trong khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đã quyết định tiếp tục đóng cửa các ngân hàng ở nước này ít nhất tới ngày 15/7 tới và Athens sẽ sớm được thông báo cụ thể về kế hoạch kiểm soát vốn của mình.

Thông tin về một thỏa thuận cứu trợ cho Hy Lạp được thông qua đã có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán.

Phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm mạnh đầu tuần khi những mối lo tuần qua dần được tháo gỡ. Ngoài vấn đề Hy Lạp, nỗi lo về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đã qua sau khi thị trường này có 3 phiên tăng điểm mạnh liên tiếp sau các biện pháp can thiệp mạnh tay của Bắc Kinh.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Dow Jones tăng 217,27 điểm (+1,22%), lên 17.977,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,98 điểm (+1,11%), lên 2.099,60 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 73,82 điểm (+1,48%), lên 5.071,51 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, thông tin về thỏa thuận nợ của Hy Lạp, cũng như việc ECB giữ nguyên định mức ELA đã giúp nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng của khu vực tăng vọt, qua đó kéo các chỉ số chính của khu vực này tăng điểm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 64,57 điểm (+0,97%), lên 6.737,95 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 168,75 điểm (+1,45%), lên 11.484,38 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 95,03 điểm (+1,94%), lên 4.998,10 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau các biện pháp can thiệp mạnh tay của Chính phủ, chứng khoán Trung Quốc đã có những phiên hồi phục ấn tượng. Sau khi tăng hơn 5% trong tuần qua, chỉ số Shanghai Composite tiếp tục tăng mạnh gần 2,4% trong phiên đầu tuần mới.

Đà hồi phục của chứng khoán Trung Quốc đã lan tỏa và kéo chứng khoán Nhật Bản, cũng như Hồng Kông tăng mạnh trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 309,94 điểm (+1,57%), lên 20.089,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 322,73 điểm (+1,30%), lên 25.224,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 92,58 điểm (+2,39%), lên 3.970,39 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường vàng, khi giới đầu tư không còn cảm thấy lo lắng, sức hấp dẫn của vàng vốn đã rất yếu trong những tuần qua dĩ nhiên nhanh chóng giảm xuống và đẩy giá kim loại quý này giảm giá trong phiên đầu tuần.

Trong tuần trước, bất chấp nhận được các thông tin hỗ trợ tích cực như cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, bong bóng chứng khoán Trung Quốc có nguy cơ vỡ, gieo rắc nỗi sợ hãi cho giới đầu tư toàn cầu, nhưng vàng vẫn không thể tăng giá. Nhiều nhà phân tích cho rằng, vai trò trú ẩn của vàng đã không còn, mà kim loại quý này chỉ còn là 1 phương tiện đầu tư thuần túy.

Kết thúc phiên 13/7, giá vàng giao ngay giảm 5,3 USD (-0,46%), xuống 1.157,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 6,9 USD/ounce (-0,59%), xuống 1.155,4 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran đang có những tiến triển tốt và khả năng một thỏa thuận có thể được đưa ra khiến làm gia tăng mối lo tăng cung, đẩy giá dầu thô giảm trong phiê đầu tuần.

Iran là một nước sản xuất dầu mỏ lớn, nhưng hiện đang bị phương Tây cấm vận do vấn đề về hạt nhân. Nếu một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân của Iran được đưa ra, các lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ và khi đó, Iran sẽ được xuất khẩu dầu mỏ và lượng cung chắc chắn sẽ tăng lên.

Kết thúc phiên 13/7, giá dầu thô Mỹ giảm 0,54 USD/thùng (-1,03%), xuống 52,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,88 USD (-1,52%), xuống 57,85 USD/thùng.

Tin bài liên quan