Cách đây chưa lâu, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trong khu vực, cũng như trên toàn cầu sớm công nhận Bitcoin là một phương tiện thanh toán hợp pháp, đồng thời cho phép 11 sàn giao dịch tiền điện tử được hoạt động. Nhờ vậy, các công ty Nhật Bản như Rakuten, Line đã nhanh chóng ra mắt các sàn giao dịch hoặc đồng tiền điện tử của riêng mình, trong bối cảnh giá Bitcoin leo dốc chóng mặt.
Trong khi Trung Quốc cấm đoán triệt để hoạt động giao dịch tiền điện tử, cũng như việc ra mắt các đồng tiền mới, còn Hàn Quốc đe dọa sẽ tiến hành các phương pháp cứng rắn để kiểm soát, Nhật Bản trở thành niềm hy vọng hiếm hoi đối với các doanh nghiệp tiền điện tử, công nghệ blockchain và hoạt động ICO (một hình thức huy động vốn đầu tư ban đầu trong các dự án tiền điện tử kỹ thuật số).
Tuy nhiên, đầu năm 2018, việc sàn giao dịch Coincheck bị tấn công (hack) với thiệt hại 500 triệu USD đã đặt danh tiếng về môi trường tiền điện tử thân thiện của Nhật Bản vào một bài kiểm tra khó nhằn.
Các nhà đầu tư quốc tế từng bị hấp dẫn bởi các dự án blockchain và tiền điện tử tại Nhật Bản sẽ cảm thấy chùn bước, nếu giới chức nước này cũng bắt đầu có các biện pháp kiểm soát mạnh tay hơn, theo các chuyên gia trong ngành.
Trước khi vụ tấn công xảy ra, mọi người đổ xô đầu tư tiền điện tử, dù không biết cách bảo vệ các tài sản này của mình, Koji Higashi, người đồng sáng lập ví tiền điện tử IndieSquare tại Nhật Bản nhận định. “Thứ duy nhất nhà đầu tư quan tâm là đồng tiền nào sẽ trở thành tâm điểm tiếp theo”.
Theo Higashi, dù chính quyền Nhật Bản đã thiết lập những quy tắc đảm bảo tại thị trường giao dịch và hoạt động ICO mới trong năm ngoái, nhưng chính sự lơ là, thiếu hiểu biết về công nghệ của nhà đầu tư đã tạo điều kiện cho các mưu đồ xấu trên thị trường tiền điện tử.
Bên cạnh đó, các sàn giao dịch đã đặt sai trọng tâm, khi chỉ chú trọng tới tính tiện lợi mà xem nhẹ yếu tố an ninh cho người dùng. Chẳng hạn, với Coincheck, sàn giao dịch này quảng cáo về bản thân như một thị trường trao đổi thân thiện, thuận tiện ngay cả với những khách hàng mới đầu tư, không có sự kiên nhẫn. Để làm được điều này, Coincheck sử dụng các “ví nóng” (hot wallet) cho phép các tài khoản tiền điện tử chuyển tiền nhanh nhất có thể, nhưng rủi ro bị hack là rất lớn.
Trong khi đó, đối với những người thiếu kiến thức về công nghệ, nhà đầu tư nghiệp dư, điều mà họ cần là ví lạnh (cold wallet), với đặc điểm là hoàn toàn ngoại tuyến, đảm bảo sự an toàn trước các cuộc tấn công mạng, thiết bị dò sóng.
Katsuya Konno, Giám đốc tài chính Sàn giao dịch Quoine cho biết, trước đây, giới chức Nhật Bản nhanh chóng đặt ra các quy tắc về tiền điện tử và chấp thuận thị trường này, bởi mong muốn thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh tiền điện tử phát triển nhanh chóng.
“Nhưng vì sự kiện Coincheck bị hack diễn ra, Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (FSA) sẽ chuyển định hướng từ thúc đẩy tăng trưởng sang kiểm soát”, Katsuya Konno nhận định.
Thực tế, chính quyền Nhật Bản đã nhanh chóng vào cuộc sau khi vụ tấn công diễn ra, với việc FSA chú trọng tới hai vấn đề: Điều tra các sàn giao dịch nhằm ngăn chặn các vụ tấn công có thể xảy ra và kiểm soát chặt hơn hoạt động ICO trái quy định. Giới chức nước này sẽ đảm bảo việc các sàn giao dịch quản lý tài khoản của khách hàng với các biện pháp an ninh truyền thống, chắc chắn.
Bên cạnh đó, trong tháng 7 tới, FSA sẽ thiết lập Hiệp hội Các sàn giao dịch tiền điện tử với 16 thành viên là các sàn giao dịch có giấy phép, từ đó tạo lập bộ quy tắc về ICO, thao túng thị trường, thủ tục an ninh liên quan tới chống rửa tiền (AML) và thấu hiểu khách hàng (KYC).
Với các quy định chặt chẽ hơn, thị trường tiền điện tử tại Nhật Bản sẽ phát triển theo xu hướng bền vững, ổn định trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, phản ứng dễ nhận thấy là sự ngập ngừng của nhà đầu tư ngoại trước các động thái chính sách và khoảng lặng của thị trường nội để dần thích ứng với quy định mới.