Thị trường nhà ở Mỹ đang “giậm chân tại chỗ”

Thị trường nhà ở Mỹ đang “giậm chân tại chỗ”

(ĐTCK) Mặc dù đã có những nỗ lực nhằm cải thiện tình trạng ảm đạm của thị trường bất động sản từ nhiều phía, song việc xây dựng nhà ở tại Mỹ vẫn có những bước phát triển rất chậm chạp.

Báo cáo gần đây cho thấy, những đợt chào bán không như mong đợi. Những tháng bán hàng rầm rộ, tích cực hầu như không có. Các báo cáo cho thấy, mức độ ngày một trầm trọng hơn khi doanh thu giảm sút trong nhiều tháng. Chỉ số doanh số bán hàng trong tháng 7/2014 được xác nhận là đang ở trong tình trạng trì trệ.

Theo Thời báo Wall Street, sức mua đang rất chậm. Tốc độ bán nhà mới giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng vào tháng 7 vừa qua cho thấy, thị trường bất động sản Mỹ thiếu động lực để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, báo cáo bán hàng giảm tới 2,4% trong tháng 7 và các nhà đầu tư đang hướng tới việc sở hữu những ngôi nhà có giá trị không cao. Nhu cầu nhà ở mới phần lớn được tập trung ở những ngôi nhà giá rẻ, phân khúc vốn kém sôi động hơn rất nhiều so với phân khúc cao cấp.

“Đây là xu hướng đi ngang, với những số liệu thấp và chưa tạo được đà tăng”, Micheal Moran, một nhà kinh tế tại Daiwa Capital Markets đánh giá.

Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực cũng bắt đầu xuất hiện khi một số nhà bán hàng cho biết, doanh số bán hàng trong tháng 8 vừa rồi có nhích hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái, dù vậy những khách hàng tiềm năng vẫn còn do dự trong việc quyết định mua nhà. Nguyên nhân của tình trạng trên được các chuyên gia lý giải là do năm nay tín dụng thắt chặt hơn và tăng trưởng về tiền lương của người lao động chậm hơn. Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư lạc quan cho rằng, việc thanh khoản thấp sẽ khiến cho giá cả nhà đất tiếp tục giảm về mức phải chăng hơn. Điều này đồng nghĩa với việc thanh khoản của thị trường sẽ tăng trong thời gian tới.

“Có một chút thất vọng, vì các dữ liệu kinh doanh nhà mới gần như không có lực kéo nào và rất khó để thúc đẩy nó, nếu như không có những chất xúc tác hiệu quả”, Thomas Simons, một nhà kinh tế tại Jefferies nói và nhận định, trong ngắn hạn, thị trường nhà ở của Mỹ sẽ không có sự thay đổi nhiều. Cũng theo Simons, từ giờ cho đến cuối năm, hy vọng thị trường bất động sản Mỹ sẽ nhúc nhắc hồi phục và tìm được đà để phát triển nhanh hơn vào những tháng đầu của năm 2015.

Vào mùa Hè vừa rồi, cổ phiếu xây dựng được đánh giá là có triển vọng. Các nhà đầu tư mua vào với hy vọng có thể lấy lại được những gì đã mất nhờ vào sự tăng trưởng lạc quan của thị trường bất động sản. Nhưng thật không may, điều đó đã không xảy ra.

Các chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng, xu hướng tích cực sẽ chỉ xuất hiện vào giữa năm 2015, khi thị trường thu hút được các nhà đầu tư mới. Còn theo giới phân tích, khi doanh số bán nhà được xem như một chỉ số quan trọng của nền kinh tế, thì nếu giải quyết tốt liên kết giữa xây dựng và quảng cáo, chào hàng, sẽ có những tác động tích cực tới xu hướng kinh doanh trong năm tới.

Dù việc mua mới nhà ở chỉ chiếm 10% trong các hoạt động buôn bán bất động sản tại Mỹ, nhưng điều đó cũng đã góp phần thúc đẩy hoạt động của ngành xây dựng và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Điều này là một tín hiệu tốt, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Theo số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố, một công nhân xây dựng có thu nhập bình quân hàng năm là 32.340 USD, cao hơn 36% so với một nhân viên bán hàng.

Tin bài liên quan