Trên thị trường IPO Trung Quốc, nhiều cổ phiếu có mức tăng kỷ lục lên tới hơn 400%

Trên thị trường IPO Trung Quốc, nhiều cổ phiếu có mức tăng kỷ lục lên tới hơn 400%

Thị trường IPO Trung Quốc đang lên “cơn sốt”

(ĐTCK) Thị trường niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Trung Quốc đang được đánh giá là “nóng” nhất từ trước tới nay, theo sau các quy định quản lý chứng khoán mới.

Theo số liệu thống kê của Bloomberg, đã có 62 cổ phiếu mới hoàn tất tháng giao dịch đầu tiên của mình trong năm nay, tăng kỷ lục 420% so với mức trung bình các giai đoạn tương ứng được ghi nhận từ trước đến nay, bất chấp quy mô của các vụ IPO chỉ ở mức trung bình 88 triệu USD, nhỏ nhất kể từ năm 2005.

Lợi nhuận khổng lồ từ thị trường IPO Đại lục không phải là một điều mới mẻ, nhưng chính số lượng IPO tăng vọt đã khiến giới đầu tư phải chú ý, trong bối cảnh Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đang tìm cách bình ổn thị trường chứng khoán có quy mô tới 6.100 tỷ USD của nước này.

Giới chức Trung Quốc đã đề nghị các công ty hạn chế quy mô các thương vụ IPO trong nửa đầu năm nay, nhằm ngăn chặn tình trạng “dư cung” cổ phiếu quá mức, đồng thời trì hoãn một hệ thống đăng ký mới, cho phép các doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc định giá và thời gian tiến hành IPO.

Dai Ming, một chuyên gia quản lý tiền tệ tại Hengsheng Asset Management Co. ở Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định: “Các nhà quản lý Trung Quốc đang cẩn trọng theo dõi và thử nghiệm phản ứng thị trường thông qua các thương vụ IPO mới. Họ có xu hướng thắt chặt việc thông qua khi thị trường sụt giảm và cho phép nhiều thương vụ hơn khi lòng tin được cải thiện”.

Dữ liệu trên trang chủ của CSRC cho thấy, có trên 800 công ty đã nộp đơn đăng ký IPO và đang chờ được thông qua. Một số liệu khác của Bloomberg ghi nhận, đã có 78 công ty hoàn tất hoạt động mua bán trong năm nay, so với mức 219 công ty của cả năm 2015, cho dù giá trị các thương vụ này chỉ bằng ¼ so với mức tương ứng năm ngoái.

Wuxi Honghui New Materials Technology Co. là một trong những cái tên “may mắn” nhất khi công ty này thu hút được 39 triệu USD trong tháng Sáu vừa qua. Giá cổ phiếu của họ tăng tới 553% trong tháng đầu tiên lên sàn chứng khoán Thâm Quyến và hiện tăng kỷ lục 580% so với giá khởi điểm lúc IPO.

Trường hợp của Wuxi Honghui New Materials Technology cũng là điển hình trong các thương vụ IPO của Trung Quốc khi mức giá chào bán ban đầu thấp hơn nhiều so với trung bình thị trường, trong khi gần như tất cả cổ phiếu chào bán lần đầu trong hai năm qua có giá thấp hơn 23 lần so với lợi nhuận.

Bản thân CSRC đã phát đi tín hiệu thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với các công ty niêm yết tại Trung Quốc, khi cảnh báo các nhà môi giới chứng khoán cần phải cải thiện tiêu chuẩn trước khi giúp khách hàng của mình thu hút tiền mặt. Các nhà quản lý cũng đang cân nhắc những biện pháp ngăn chặn các công ty Trung Quốc giao dịch tại nước ngoài sử dụng biện pháp “niêm yết cửa sau” (tức là một công ty chưa đủ điều kiện niêm yết, song sử dụng biện pháp thâu tóm hay sáp nhập để chiếm quyền kiểm soát một công ty đã niêm yết và nghiễm nhiên được niêm yết trên TTCK bằng cách đổi tên của cổ phiếu đã niêm yết) trên thị trường Đại lục.

Một nguồn tin nội bộ cho biết, một khi thị trường ổn định, CSRC sẽ chấp thuận các thỏa thuận lớn hơn trong nửa cuối năm nay. Một số công ty thậm chí lựa chọn thị trường Hồng Kông để thay thế cho Đại lục. Postal Savings Bank of China Co., một trong số ít những tập đoàn quốc doanh còn lại chưa tiến hành niêm yết, hiện đang chuẩn bị cho thương vụ IPO khổng lồ trị giá 8 tỷ USD tại Hồng Kông trong năm nay.

Dự báo về những diễn biến trong thời gian tới, chiến lược gia Hao Hong tại Bocom International Holdings Co. cho rằng, viễn cảnh thị trường IPO Trung Quốc vẫn sẽ nằm trong tay CSRC.

“Cơn sốt IPO sẽ tiếp diễn, nếu các nhà quản lý vẫn trì hoãn hệ thống đăng ký và quản lý giá trần như hiện nay”, vị chiến lược gia này phát biểu.

Tin bài liên quan