Thị trường gạo thế giới 2014: Sản lượng và dự trữ gia tăng

Dù gặp bất lợi về thời tiết, nhưng tổng sản lượng lúa gạo thế giới năm nay có thể đạt 751 triệu tấn (500,7 triệu tấn quy gạo), tăng 0,8% so với năm 2013. Cùng với đó, lượng gạo dự trữ toàn cầu năm 2014 có thể đạt 180,5 triệu tấn, do nhiều quốc gia thuộc khối các nước đang phát triển gia tăng lượng dự phòng.
Thị trường gạo thế giới 2014: Sản lượng và dự trữ gia tăng

Trong báo cáo mới nhất mà Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố, năm nay, Ấn Độ nhiều khả năng vẫn là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với 9,5 triệu tấn. Tiếp đến là Thái Lan (8,7 triệu tấn) và Việt Nam (7,2 triệu tấn). Chỉ trong vòng 4 tháng vừa qua, lượng gạo giao dịch toàn cầu đã đạt 38 triệu tấn - mức kỷ lục trong nhiều năm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo trên thế giới dự báo tiếp tục tăng, đặc biệt là gạo tẻ.

Trợ lý Tổng giám đốc FAO tại khu vực châu Á - Thái Bình dương, ông Hiroyuki Konuma cho biết, thống kê cho thấy, hầu hết các nước sản xuất nhiều lúa gạo niên vụ 2013 đều đạt sản lượng vượt dự báo, như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Philippines. Ngoài ra, sản lượng lúa gạo tại một số nước như Colombia, Indonesia, Iran, Nhật Bản, Nepal, Sri Lanka và Tanzania cũng được cải thiện. Chỉ có Campuchia, Lào và Nga bị sụt giảm đáng kể do bất lợi thiên tai.

Về xuất khẩu, báo cáo của FAO cho biết, lượng gạo xuất khẩu ra thị trường thế giới của 5 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu (Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam và Mỹ) niên vụ 2013/14 ước đạt 48,4 triệu tấn.

Theo các chuyên gia phân tích thị trường, Thái Lan đang được cho là “đắc lợi” trong năm 2014. Tính từ đầu năm đến nay, Thái Lan đã xuất khẩu trên 2,1 triệu tấn gạo, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nước này vẫn còn khoảng 10 triệu tấn dự trữ. Trong số các nước xuất khẩu gạo chủ chốt ở châu Á, Thái Lan là nước duy nhất có khả năng xuất khẩu với khối lượng lớn, bởi lượng dự trữ của nước này lên tới khoảng 13-15 triệu tấn quy gạo, chưa kể khoảng 7 triệu tấn nữa đang được bổ sung ra thị trường.

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, hoạt động xuất khẩu của nước này có khả năng sẽ tăng nhờ nhu cầu về gạo đang gia tăng tại nhiều thị trường lớn. Hiện Mỹ, Trung Quốc và Malaysia, đang quan tâm ký với Thái Lan các thỏa thuận mua gạo dưới dạng hợp đồng chính phủ. Cụ thể, Mỹ dự kiến mua 1,6 triệu tấn, Trung Quốc và Malaysia 600.000 tấn đến 1 triệu tấn. Ngoài ra, Iraq cũng sắp nối lại hoạt động nhập khẩu gạo từ Thái Lan. Thực tế, trong 2 tháng đầu năm 2014, Thái Lan đã giành lại ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với 1,5 triệu tấn (theo báo cáo của Công ty CP Intertrade - Thái Lan), trong khi Ấn Độ và Việt Nam xuất khẩu 800.000 tấn đến 1 triệu tấn.

Ấn Độ cũng có lượng gạo dự trữ khổng lồ, song quốc gia đông dân này luôn phải cảnh giác đề phòng thiên tai, nên có thể giảm xuất khẩu bất cứ lúc nào nếu thấy nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Việt Nam có lượng cung lúa gạo dồi dào, song chỉ tập trung vào những giai đoạn thu hoạch và cơ hội giảm giá mạnh không nhiều bởi sự can thiệp của Chính phủ.

Bên cạnh các cường quốc xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, Campuchia cũng sẽ là một đối thủ “nặng ký”. Trong khi các nước xuất khẩu gạo lớn vẫn mải mê với những mục tiêu duy trì và/hoặc giành được ngôi vị nhất nhì về xuất khẩu gạo, thì gạo Campuchia đang lặng lẽ chiếm lĩnh nhiều thị trường khó tính bởi chất lượng thơm ngon (hai năm liên tiếp 2012 - 2013, gạo Campuchia được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới).

Ngành lúa gạo Campuchia hiện chỉ còn yếu ở khâu chế biến, nhưng điều này không khó giải quyết khi thị trường gạo đầy hứa hẹn của Campuchia đã thu hút nhiều công ty nước ngoài tới đầu tư và xây dựng nhà máy xay xát gạo lớn tại đây. Nhiều nhà xay xát gạo đang dần chuyển hướng sang xây dựng cơ sở chế biến ở Campuchia để tận dụng lợi thế chi phí sản xuất rẻ, trong đó có Tập đoàn Taiwa Seiki (Nhật Bản), Asia Golden Rice và CP Intertrade (Thái Lan).

Về nhập khẩu, trong số các quốc gia có nhu cầu lớn, có Trung Quốc công bố cần khoảng 3,3 triệu tấn trong năm nay. Trong khi đó, Philippines và Indonesia dự tính nhu cầu tiêu thụ gạo sẽ tăng 60-70% trong năm 2014, tương ứng 1,2 triệu tấn và 1,1 triệu tấn. Nhu cầu nhập của Malaysia khoảng 1,1 triệu tấn.

Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2010 với việc mua kỷ lục 2,45 triệu tấn gạo, có thể cần phải nhập khẩu 2 triệu tấn gạo để đáp ứng nhu cầu trong năm 2014.

Không gặp cảnh thiếu gạo như Philippines, năm nay, Indonesia - một trong những quốc gia phải nhập khẩu nhiều gạo - mới đây tự tin cho rằng, sẽ không phải nhập khẩu gạo trong năm 2014 nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Suswono cho biết, sản lượng thóc của nước này được dự báo có thể tăng 8%, lên 76,57 triệu tấn và trong kho dự trữ vẫn còn tới 2 triệu tấn gạo. Trong khi nhu cầu lương thực quốc gia của Indonesia trung bình ở mức 34 triệu tấn gạo/năm.

Tin bài liên quan