Tổ chức Olimpics không còn mang lại hiệu quả kinh tế.

Tổ chức Olimpics không còn mang lại hiệu quả kinh tế.

Thế vận hội Olympics trở thành cơn ác mộng

Các thành phố lớn trên thế giới từng mơ ước một lần được tổ chức thế vận hội Olympics, nhưng nay thì điều đó không còn nữa vì hiệu quả kinh tế thấp.

Rome trở thành thành phố mới nhất rút khỏi danh sách những thành phố tham gia cuộc đua đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2024 vào ngày 11/10 vừa qua vì lý do ngân sách.

Những khó khăn trong phân bổ ngân sách là lý do nhiều thành phố từ bỏ giấc mộng Olympics trong những năm vừa qua. Trong số năm ứng viên cho năm 2024, của Uỷ ban Olympic quốc tế (OIC), thành phố Hamburg của Đức rút lui đầu tiên. Stockholm và Krakow của Ba Lan cũng thoái lui khỏi sân chơi Olympic Mùa đông 2022 và quyền đăng cai rơi vào tay Bắc Kinh.

Một thành phố muốn đăng cai Olympic phải lên kế hoạch, chuẩn bị tài chính và xây dựng hàng loạt cơ sở vật chất khổng lồ cùng chi phí cho an ninh trong thời gian thế vận hội, có thể lên đến hàng tỷ đôla. Hàng trăm nghìn phòng khách sạn phải được xây cho các vận động viên và du khách.

Phần lớn chi phí đó được trang trải bởi tiền thuế của người dân, và phần lớn thời gian các khoản đầu tư đó không mang lại lợi ích kinh tế nào rõ rệt.

Lãnh đạo các quốc gia thường biện bạch rằng nguồn thu từ tiền vé và hàng loạt việc làm được tạo ra từ xây dựng cơ sở vật chất và du lịch sẽ tạo ra nguồn thu cho thành phố đó và cân đối được ngân sách. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những gì thu về được từ Olympic không hề màu hồng.

Montreal, thành phố đăng cai Olympic Mùa hè 1976, có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất về cơn ác mộng Olympics.

Trước khi những cuộc tranh tài diễn ra, thị trưởng thành phố này đã phát biểu: "Tổ chức Thế vận hội không còn là mối lo về tài chính nữa, như đàn ông không thể đẻ con vậy". Và ông ta đã sai. Việc quản lý không chặt chẽ và các chi phí đội lên làm thành phố mắc nợ 1,5 tỷ USD và phải đến 2006 thì mới trả hết số nợ này.

Đến lúc đó, sân vận động Olympic khổng lồ mang tên "Big O" đã bị bỏ hoang và trở thành một sân bóng công cộng. Người dân Montreal sau đó gọi nơi này là "Món nợ khổng lồ" (Big Owe).

Cho dù Montreal chỉ là một trường hợp cá biệt, các chuyên gia tại Trường kinh doanh Saïd thuộc đại học Oxford cho biết việc đội vốn trong các công trình Olympic vẫn diễn ra thường xuyên.

Một báo cáo của trường vào 2013 cho hay: "Các Thế vận hội đều có tỷ lệ bị đội vốn là 100%. Không có bất kỳ một siêu dự án nào trên thế giới đội vốn nhiều như một sân vận động Olympic."

Kinh nghiệm của Montreal suýt nữa làm không một ai dám đăng cai Thế vận hội 1984. Chỉ duy nhất một thành phố, Los Angeles, đăng ký tổ chức và có ưu thế đàm phán với OIC.

Los Angeles theo đuổi một mô hình tài chính mới bằng việc huy động vốn tư nhân. Thành phố còn dùng những sân vận động khổng lồ để tổ chức nhiều loại hoạt động khác, giúp cân đối được khoản chi phí xây dựng có lẽ là lớn nhất so với mọi loại chi phí khác. Kết quả? Lần đầu tiên, có một thành phố có lời từ việc đăng cai Olympics.

Tuy nhiên, xu hướng chung của Olympics vẫn là những khoản lỗ khổng lồ. Nga đã từng chi một khoản khổng lồ 50 tỷ USD vào Thế vận hội Sochi 2014. Trung Quốc dùng mọi nguồn tài chính có thể để tổ chức Thế vận hội 2008. Những sân vận động tại Rio rất ít khi được sử dụng sau khi Thế vận hội tại đây kết thúc.

Dù sao đi nữa, vẫn phải có một ai đó đăng cai Thế vận hội. IOC sẽ họp vào năm sau để chọn ra một thành phố để tổ chức Olympics 2024. Hiện giờ, danh sách của họ chỉ còn ba lựa chọn là Budapest, Paris và Los Angeles.

Tin bài liên quan