Tháng 5, đâu là vấn đề thị trường cần chú ý?

Tháng 5, đâu là vấn đề thị trường cần chú ý?

(ĐTCK) Tháng 4 vừa qua, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng gần 7%, chứng khoán châu Á và châu Âu ghi nhận nhiều phiên “xanh sàn”. Trong tháng 5 này, có nhiều sự kiện quan trọng có thể tác động tới các quyết định đầu tư và thị trường toàn cầu.

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp

Vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào ngày 7/5 tới sẽ là bài thử rất quan trọng đối với niềm tin của thị trường, vốn đã khôi phục phần nào với kết quả dẫn đầu của chính trị gia trung lập Emmanuel Macron sau vòng một vào ngày 23/4 vừa qua.

Trước đó, thị trường sụt giảm lòng tin khi các thăm dò đã dự báo sai về chiến thắng đầy bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc cử tri Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà phân tích cho rằng, dư địa để chứng khoán Pháp, trái phiếu chính phủ và đồng Euro tăng giá vẫn còn nếu kết quả đúng như những gì các cuộc thăm dò đưa ra, với chiến thắng chung cuộc dành cho ông Macron trước ứng cử viên theo chủ nghĩa cực hữu Marine Le Pen.

Chiến lược gia tại UBP, Koon Chow nhận định: “Thị trường sẽ diễn biến dựa trên kịch bản mua vào theo tin đồn và mua vào theo kết quả thực tế, đặc biệt khi niềm tin về các cuộc thăm dò dư luận được khôi phục xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Điều đó đồng nghĩa các tài sản có độ biến động cao như chứng khoán châu Âu và đồng Euro sẽ là lựa chọn ưa thích của các nhà đầu tư tại thời điểm hiện tại”.

Quyết định của Fed

Hơn một tháng qua, các nhà giao dịch Mỹ bắt đầu tập trung sự chú ý vào cuộc họp định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong hai ngày ngày 3 - 4/5. Nhiều người thậm chí tìm kiếm các tín hiệu khả dĩ về việc liệu Fed có đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất hay không, song không có nhiều nhà kinh tế kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 5 này, mà nhiều khả năng chỉ có 2 đợt tăng nữa trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017.

Bên cạnh động thái của Fed, nhà đầu tư Mỹ cũng hướng sự tập trung vào các dữ liệu kinh tế, đặc biệt là số liệu thất nghiệp, dự kiến sẽ được công bố trong ngày 5/5 và khả năng tăng lương cho người lao động nước này.

Số liệu bán lẻ của Mỹ công bố ngày 12/5 cũng sẽ là một chỉ dấu quan trọng để đánh giá về sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu sự phục hồi doanh số bán lẻ không diễn ra như kỳ vọng trong tháng 4 vừa qua, các nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi về việc liệu niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã thực sự phục hồi hay chưa.

OPEC cân nhắc gia hạn cắt giảm nguồn cung

Các Bộ trưởng Dầu mỏ thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ nhóm họp vào ngày 25/5 tại Vienna (Áo) để quyết định có tiếp tục thỏa thuận cắt giảm nguồn cung, nhằm hạn chế tình trạng dư thừa và chấm dứt hoàn toàn cuộc khủng hoảng giá dầu.

Khalid al-Falih, Bộ trưởng Năng lượng Ảrập Xêút mới đây thông báo đã xuất hiện những đồng thuận gia tăng trong nội bộ OPEC hướng tới kịch bản tiếp tục gia hạn thỏa thuận này. Trên thực tế, lượng dầu trong các kho dự trữ dầu thô toàn cầu vẫn ở mức cao, trong khi phần cắt giảm từ OPEC lại được bù đắp từ dầu đá phiến của Mỹ khiến cho thỏa thuận của OPEC chưa thể phát huy hiệu quả toàn diện như mong muốn.

Mặc dù vậy, các cơ quan năng lượng chủ chốt trên thế giới và giới phân tích thị trường dầu mỏ vẫn tin rằng, nguồn cung và nhu cầu toàn cầu sẽ cân bằng trở lại trong nửa cuối năm 2017.

Tin bài liên quan