Sản phẩm trà Teavana của Starbucks

Sản phẩm trà Teavana của Starbucks

Tham vọng xây dựng một đế chế về trà, Starbucks dồn toàn lực cho Teavana

(ĐTCK) Năm 1999, Starbucks mua lại thương hiệu trà Tazo với giá 8,1 triệu USD. Năm 2017, Công ty bán lại thương hiệu trà này cho Unilever với giá 384 triệu. Như vậy, sau gần 20 năm, khoản đầu tư của Starbucks đã tăng tới 47 lần.

Mặc dù thương hiệu trà Tazo đã mang về 112 triệu USD doanh thu cho Starbucks trong 12 tháng qua, song Starbucks lại muốn dồn toàn lực phát triển một thương hiệu trà khác của mình là Teavana, vốn đạt doanh thu tới 1,6 tỷ USD trong cùng kỳ.

“Gã khổng lồ” ngành cà phê đã chi ra 620 triệu USD để mua lại hãng trà Teavana hồi tháng 11/2012 với tham vọng xây dựng một đế chế về trà, tương tự như những gì đã làm với cà phê. Mục tiêu của Stabucks là xây dựng Teavana thành một mảng kinh doanh trị giá 3 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Theo thống kê, trà là đồ uống được tiêu thụ nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau nước, là lĩnh vực trị giá 125 tỷ USD trên toàn cầu. Starbucks vẫn đang tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực của Công ty, bao gồm cả kiến thức về việc tạo ra những đồ uống được pha chế tuyệt hảo nhất, để mang đến trải nghiệm trà thượng hạng mới cho khách hàng, đặc biệt là tại 16 thị trường thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Ngay cả ở Mỹ, nơi cà phê vẫn là món đồ uống thống trị, số người thích dùng trà cũng đang tăng nhanh.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Starbucks, Kevin Johnson cho biết: “Với chiến lược tăng trưởng tập trung vào mảng kinh doanh trà cao cấp Teavana, chúng tôi rất vui mừng khi chuyển nhượng thương hiệu trà Tazo cho Unilever.

Chúng tôi đang tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong kinh doanh trà với thương hiệu Teavana. Sự chuyển nhượng này góp phần hỗ trợ cho chiến lược của Công ty, nâng cao trải nghiệm trà thượng hạng cho khách hàng của chúng tôi”.

Đội ngũ giám đốc của Unilever cũng đánh giá rất cao thương vụ mua lại này. Theo đó, việc sở hữu thương hiệu trà Tazo sẽ giúp tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới đáp ứng được nhu cầu của những người trẻ, đồng thời nâng cao chất lượng của các sản phẩm trà hiện có của mình như Lipton, Pure Leaf, PG Tips và Pukka.

“Với sức hút mạnh mẽ đối với thế hệ trẻ, Tazo là một chiến lược phù hợp hoàn toàn với danh mục đầu tư tại Mỹ của chúng tôi, bao gồm các thương hiệu mới nổi như Seventh Generation, Dollar Shave Club và Sir Kensington”, Chủ tịch Unilever Bắc Mỹ Kees Kruythoff nói và cho biết: “Vị trí vững chắc của Tazo trong phân khúc trà đang tăng trưởng nhanh, cùng với chuyên môn về trà của Unilever cho thấy một cơ hội tăng trưởng tuyệt vời”.

Starbucks đưa ra thông tin về thương vụ với Unilever cùng lúc với việc thông báo kết quả tài chính quý IV năm tài chính 2016-2017 sụt giảm đôi chút so với mong đợi của Phố Wall. Cụ thể, doanh thu trong kỳ đạt 5,7 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức 5,71 tỷ USD của cùng kỳ năm trước và thấp hơn so với mức 5,81 tỷ USD mà các nhà phân tích dự đoán. Thu nhập ròng trong kỳ đạt 788,5 triệu USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ, thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 54 cent/cổ phiếu.

Xét về kết quả kinh doanh trong cả năm tài chính, doanh thu của Starbucks năm 2017 đã tăng 5%, lên 22,4 tỷ USD và thu nhập trên mỗi cổ phiếu không bao gồm các mặt hàng đặc biệt tăng 11,4%, lên 2,06 USD/cổ phiếu. Đặc biệt, Starbucks ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong bộ phận châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Trung Quốc - thị trường lớn thứ hai và phát triển nhanh nhất, chứng kiến doanh số bán hàng tăng 8% trong năm qua.

Mặc dù ước tính thu nhập cho cả năm 2018 bị sụt giảm, nhưng CEO Kevin Johnson vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng đáp ứng và vượt qua các mục tiêu mới của Starbucks.

“Thực phẩm, nước giải khát và sự đổi mới công nghệ vẫn đang hấp dẫn mọi người, giúp chúng tôi đẩy mạnh sản lượng, đồng thời mang lại một trải nghiệm cao cấp hơn cho các khách hàng”, CEO Starbucks nói.

Tin bài liên quan