Tên lửa của Triều Tiên khiến giới đầu tư thoáng giật mình

Tên lửa của Triều Tiên khiến giới đầu tư thoáng giật mình

(ĐTCK) Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên bay qua vùng trời của Nhật Bản hôm thứ Ba lúc đầu khiến giới đầu tư lo sợ. Tuy nhiên, sau khi theo dõi phản ứng của các bên, giới đầu tư dần lấy lại được bình tĩnh.

Hôm thứ Ba, Bình Dưỡng đã phóng một quả tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản rồi rơi xuống bắc Thái Bình Dương. Vụ việc này được đánh giá là khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên đến đỉnh điểm và khiến giới đầu tư lo sợ.

Các thị trường chứng khoán, tài chính, hàng hóa đã có phản ứng mạnh khi mở cửa phiên thứ Ba. Trong đó, chứng khoán châu Á, châu Âu bị bán mạnh, còn giá vàng có lúc được đẩy lên trên mức 1.325 USD/ounce.  Phố Wall lúc đầu cũng mở cửa trong sắc đỏ với mức giảm khá mạnh.

Tuy nhiên, sau khi xem xét phản ứng của các bên, nhận thấy tình hình không quá căng thẳng và leo thang, giới đầu tư đã trấn tĩnh trở lại, giúp phố Wall quay đầu tăng điểm, còn vàng đảo chiều giảm trở lại.

Phản ứng với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết “Mỹ cân nhắc tất cả phương án để đáp trả Triều Tiên”.

Giới phân tích cho rằng, khi ông Trump nói câu trên, chiến lược tốt nhất với các nhà đầu tư là không hành động gì cả.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số Dow Jones tăng 56,97 điểm (+0,26%), lên 21.865,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,06 điểm (+0,08%), lên 2.446,30 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 18,87 điểm (+0,30%), lên 6.301,89 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba, xuống mức thấp nhất 6 tháng do đồng euro tăng mạnh sau khi Triều Tiên phóng tên lửa.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 64,03 điểm (-0,87%), xuống 7.337,43 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 177,59 điểm (-1,46%), xuống 11.945,88 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 47,83 điểm (-0,94%), xuống 5.031,92 điểm.

Giống như chứng khoán châu Âu, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á lo sợ khi Triều Tiên phóng tên lửa, nhất là nhà đầu tư Nhật Bản. Chính điều này khiến chứng khoán Nhật Bản lao dốc ngay khi bước vào phiê giao dịch thứ Ba. Tuy nhiên, sau khi trấn tĩnh lại, nhận thấy phản ứng của các bên không quá mạnh, thị trường đã hồi dần và hãm bớt đà giảm. Dù vậy, chỉ số Nikkei 225 cũng đóng cửa ở mức thấp nhất 4 tháng.

Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm sau sự kiện trên, trong khi chứng khoán Trung Quốc vẫn duy trì được sắc xanh, nhưng đà tăng rất khiêm tốn và giao dịch không mấy sôi động khi giới đầu tư chọn cách đứng ngoài quan sát sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Kết thúc phiên 29/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 85,35 điểm (-0,45%), xuống 19.362,55 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 92,28 điểm (-0,35%), xuống 27.765,01 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,57 điểm (+0,08%), lên 3.365,23 điểm.

Như đã đề cập, việc đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 16 tháng trong phiên đầu tuần mới đã giúp giá vàng tăng vọt qua ngưỡng 1.300 USD/ounce. Đà tăng tiếp tục mạnh trong phiên thứ Ba trên thị trường châu Á và châu Âu khi Triều Tiên phóng tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản.

Giá vàng có lúc đã được đẩy qua ngưỡng 1.325 USD/ounce, nhưng sau đó, khi tình hình không quá căng thẳng như lo ngại, cùng với việc đồng USD ổn định trở lại, vàng đã bị chốt lời và quay đầu đi xuống. Giá kim loại quý này giảm dần đều trong phiên Mỹ và đóng cửa sát với mức giá của ngày trước đó.

Kết thúc phiên 29/8, giá vàng giao ngay giảm 0,9 USD/ounce (-0,07%), xuống 1.308,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 3,6 USD/ounce (+0,27%), lên 1.318,9 USD/ounce.

Giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm trong phiên thứ Ba khi cơn bão Harvey làm giảm 19% khả năng lọc dầu của nước Mỹ, khiến nhu cầu dầu thô giảm. Tuy nhiên, mức giảm đã khiêm tốn hơn nhiều so với phiên trước đó, trong khi giá dầu thô Brent lại hồi phục nhẹ trở lại.

Kết thúc phiên 29/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,13 USD/thùng (-0,28%), xuống 46,44 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,11 USD (+0,21%), lên 52,00 USD/thùng.

Tin bài liên quan