Sau 1 nhịp nghỉ ngơi, phố Wall lại lập đỉnh cao lịch sử mới (Ảnh: Reuters)

Sau 1 nhịp nghỉ ngơi, phố Wall lại lập đỉnh cao lịch sử mới (Ảnh: Reuters)

Tăng thận trọng, phố Wall vẫn lập đỉnh mới

(ĐTCK) Dù nhiều dữ liệu quan trọng được công bố, nhưng do thị trường chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn, nên giới đầu tư thận trọng khiến cả chứng khoán và vàng ít có biến động trong phiên thứ Tư. Dù vậy, với mức tăng nhẹ, cả Dow Jones và S&P 500 cùng thiết lập đỉnh cao mới.

Theo dữ liệu vừa được Bộ Thương mại công bố hôm thứ Tư cho thấy, chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ, vốn chiếm tới 2/3 trong hoạt đông kinh tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới này tăng nhẹ 0,2% trong tháng 10 sau khi chững lại vào tháng 9.

Các số liệu cũng cho thấy, tăng trưởng lương yêu ớt khiến người tiêu dùng tiếp tục cân nhắc về vấn đề chi tiêu của mình. Tuy nhiên, cũng theo dữ liệu vừa công bố cùng ngày, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức cao 7 năm rưỡi trong tháng 10, cho thấy khả năng chi tiêu tiêu dùng sẽ tăng mạnh trở lại trong 2 tháng cuối năm, nhất là đây là mùa mua sắm lớn nhất trong năm.

Trong một báo cáo khác cho biết, đơn đặt hàng hàng hóa phi quốc phòng, trừ máy bay, một dữ liệu quan trọng đại diện cho các kế hoạch chi tiêu kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ, giảm 1,3% trong tháng 11, tháng giảm thứ hai liên tiếp.

Điều này cho thấy, kinh tế Mỹ không hoàn toàn miễn nhiễm với sự suy thoái kinh tế của Nhật Bản, hay đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.

"Nó phản ánh tăng sự không chắc chắn của các công ty do các tác động của tăng trưởng toàn cầu chậm lại và đồng USD mạnh" Gennadiy Goldberg, một nhà kinh tế tại TD Securities tại New York cho biết.

Ngoài ra, rổ hàng hàng hóa vốn cốt lõi, được sử dụng để tính toán GDP, giảm 0,4%, do với mức tăng của tháng 9.

Trước đó, dữ được khác công bố cũng cho thấy, hoạt động sản xuất ở vùng Trung Tây chậm lại trong tháng 11 do đơn đặt hàng mới giảm mạnh.

Các dữ liệu cho thấy, tăng trưởng đã bị hãm lại từ mức 3,9% trong quý III xuống còn 1,4 - 3% trong quý IV, theo ước tính.

Một báo cáo khác từ Bộ Lao động cho thấy, tuyên bố ban đầu cho trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên trên ngưỡng 300.000 trong tuần trước, lần đầu tiên kể từ đầu tháng 9.

Dữ liệu mới cũng cho thấy rằng khu vực nhà đất tiếp tục trái chiều trong tháng 10, với doanh số bán nhà mới tăng vừa phải và hợp đồng mới để mua nhà ở thuộc sở hữu trước đó giảm.

Với các dữ liệu trái chiều trên, phố Wall cũng có phiên hồi trở lại với việc S&P 500 và Dow Jones lại thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn.

Kết thúc phiên 26/11, chỉ số Dow Jones tăng 12,81 điểm (+0,07%), lên 17.827,75 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,8 điểm (+0,28%), lên 2.072,83 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 29,07 điểm (+0,61%), lên 4.787,32 điểm.

Chứng khoán châu Âu, tiếp tục có phiên tăng điểm, trong đó, chỉ số DAX của Đức có phiên tăng điểm thứ 10 liên tiếp khi giới đầu tư đặt cược vào gói kích thích mở rộng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Kết thúc phiên 26/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 1,97 điểm (-0,03%), xuống 6.729,17 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 54,35 điểm (+0,55%), lên 9.915,56 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 8,89 điểm (-0,20%), xuống 4.373,42 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trở lại khi giới đầu tư thận trọng trước các dữ liệu của Mỹ sắp công bố. Ngoài ra, chứng khoán Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm mạnh của cổ phiếu Honda Motor khi hãng này cho biết, đã dấu các báo cáo tai nạn tại Mỹ kể từ năm 2003.

Trong khi đó, với đà hứng khởi của thị trường chứng khoán đại lục nhờ các cổ phiếu tài chính, ngân hàng khởi sắc sau quyết định giảm lãi suất của PBOC, chứng khoán Hồng Kông cũng hồi mạnh trở lại sau phiên bị chốt lời trước đó.

Kết thúc phiên 26/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 24,04 điểm (-0,14%), xuống 17.383,58 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 268,07 điểm (+1,12%), lên 24.111,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 36,75 điểm (+1,43%), lên 2.604,35 điểm.

Giá vàng cũng dao động nhẹ trong phiên thứ Tư, bất chấp hàng loạt dữ liệu được công bố. Đóng cửa, giá vàng giảm nhẹ trở lại và để mất mốc 1.200 USD vừa đạt được trong phiên thứ Ba. Giá kim loại quý ít dao động bất chấp đồng USD giảm và hàng loạt dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố là do giới đầu tư thận trọng trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn, cũng như cuộc họp sắp diễn ra của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Kết thúc phiên 26/11, giá vàng giao ngay giảm 3,2 USD (-0,27%), xuống 1.198,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 giảm nhẹ 0,3 USD, đứng ở mức 1.197,5 USD/ounce.

Sau khi Ả Rập Saui, Venezuela cùng với các nước ngoài OPEC như Nga, Mexico không đạt được thỏa thuận về giảm sản lượng, giá dầu lại chịu thêm áp lực khi dự trữ dầu của Mỹ lên mức cao nhất 3 thấp kỷ, trong khi nhu cầu toàn cầu lại có dầu hiệu giảm. Chính các yếu tố này khiến giá dầu tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư và xuống mức thấp nhất hơn 4 năm.

Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò của Bloomberg với 20 nhà phân tích, toàn bộ đều dự đoán OPEC, tổ chức chiếm 40% lượng dầu xuất khẩu của thế giới sẽ cắt giảm sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào thứ Năm này.

Kết thúc phiên 26/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 0,4 USD (-0,54%), xuống 73,69 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,58 USD (-0,74%), xuống 77,75 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010.

Tin bài liên quan