Sự nguy hiểm của chất độc VX trong nghi án Kim Jong-nam

Sự nguy hiểm của chất độc VX trong nghi án Kim Jong-nam

Chất độc VX sử dụng trong nghi án Kim Jong-nam được coi là vũ khí hủy diệt hàng loạt, khó phát hiện và có khả năng tồn tại dai dẳng.

Cảnh sát Malaysia xác định VX là chất độc thần kinh dùng trong vụ sát hại người đàn ông mang hộ chiếu Triều Tiên có tên Kim Chol, nghi là Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

VX hay S-2 Diisoprophylaminoethyl methylphosphonothiolate là một chất độc thần kinh cực mạnh được Liên Hợp Quốc coi là vũ khí hủy diệt hàng loạt.

VX được phát triển ở Anh trong những năm 1950 như một chất dùng trong chiến tranh hóa học, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Nó là một chất lỏng nhớt có màu hổ phách, không mùi và không vị. Chỉ 10 mg là đủ gây tử vong khi tiếp xúc qua da.

VX, nếu tồn tại ở dạng khí, có khả năng giết người nhanh nhất. Ở thể lỏng, nó có thể được cho vào nguồn nước hoặc sử dụng để đầu độc thức ăn, theo CNN.

Giống như các chất độc thần kinh khác, VX khiến một enzyme quan trọng ngừng hoạt động, dẫn đến cơ thể suy kiệt và ngừng thở. VX không chỉ là chất độc thần kinh nguy hiểm nhất mà cũng là chất tồn tại dai dẳng nhất - nó bốc hơi chậm, đặc biệt là trong môi trường lạnh.

Triệu chứng như thế nào?

Tùy thuộc vào lượng VX mà một người tiếp xúc, triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện ngay lập tức hoặc lên đến 18 giờ sau đó. Liều lượng lớn có thể gây co giật, mất ý thức, tê liệt và chết vì suy hô hấp.

Liều nhỏ hơn, không gây tử vong, có thể gây ra một loạt triệu chứng bao gồm tăng nhịp tim, mờ mắt, buồn nôn, tiêu chảy, chảy nước dãi, đau đớn và suy kiệt sức lực. Ngay cả liều rất nhỏ có thể gây buồn ngủ và rối loạn tinh thần. 

Có thể điều trị người nhiễm VX bằng cách tiêm thuốc giải độc, nhưng chất độc thần kinh hoạt động rất nhanh nên nạn nhân phải được điều trị ngay lập tức mới có cơ hội sống sót.

Bên nào sở hữu VX?

Theo Công ước Vũ khí Hóa học năm 1993, các bên ký kết không được sản xuất và tàng trữ quá 100 gram VX mỗi năm. Ngoại lệ duy nhất là cho mục đích "nghiên cứu, y tế và dược" với số lượng tổng hợp "không vượt quá 10 kg mỗi năm mỗi cơ sở".

Theo Guardian, Mỹ và Nga là hai nước duy nhất thừa nhận sở hữu kho vũ khí VX, nhưng nhiều quốc gia khác cũng được cho là sở hữu nó. Mỹ đã phá hủy một phần nhỏ trong kho dự trữ của mình và đã có những động thái thúc đẩy Nga làm theo. 

CDC tin rằng VX được sử dụng trong cuộc chiến giữa Iran và Iraq vào những năm 1980. Cuối năm 1994, giáo phái cực đoan Nhật Bản Aum Supreme Truth được cho là đã tiêm VX trong nỗ lực ám sát một số thành viên bất đồng ý kiến và các đối thủ lớn. Một nạn nhân đã chết sau 10 ngày hôn mê. 

Tin bài liên quan