Tonbo Imaging đang hợp tác với quân đội Ấn Độ thắt chặt an ninh khu vực biên giới phía tây bắc vốn có nhiều bất ổn. Ảnh: Reuters

Tonbo Imaging đang hợp tác với quân đội Ấn Độ thắt chặt an ninh khu vực biên giới phía tây bắc vốn có nhiều bất ổn. Ảnh: Reuters

Startup công nghệ “mê hoặc” giới quân sự Mỹ, Ấn Độ

Không chỉ quân đội Ấn Độ, các đơn vị như đặc nhiệm SEAL, Không quân Mỹ và Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Mỹ đều sử dụng sản phẩm của Tonbo. Startup công nghệ của Ấn Độ còn cung cấp sản phẩm cho xe tự lái dân sự vận hành tốt hơn.

Ấn Độ cần “Chuồn chuồn”

Tonbo Imaging, một startup công nghệ tại bang Bengaluru, vừa trở thành đối tác của quân đội Ấn Độ. Startup này sẽ cung cấp cho chính quyền New Delhi những công nghệ tối tân cho phép phát hiện và tái tạo hình ảnh các vật thể trong bất kỳ điều kiện môi trường nào. Công nghệ này sẽ cho phép quân đội Ấn Độ thu được các thông tin tình báo có ý nghĩa sống còn đối với các cơ sở quân sự và tính mạng của các quân nhân, đặc biệt là ở các khu vực biên giới nhiều bất ổn của nước này.

CEO của Tonbo Imaging, anh Arvind Lakshmikumar, trả lời India Times: “Chúng tôi đang hỗ trợ quân đội phát triển công nghệ nhìn đêm và các thiết bị nhìn đêm. Các công nghệ này sẽ giúp các căn cứ của chúng ta an toàn hơn. Chúng tôi hiện đang tham gia tăng cường an ninh cho căn cứ không quân Pathankot (bị khủng bố tấn công hồi tháng 1.2016). Chúng tôi cũng đang hợp tác với Bộ chỉ huy miền bắc của quân đội Ấn Độ sau đợt khủng bố doanh trại tại Uri ngày 18.9 vừa qua”.

Tonbo được thành lập vào năm 2008, với cái tên dịch ra tiếng Nhật nghĩa là “Chuồn chuồn”. Theo The Times of India, những nhà sáng lập chọn loài côn trùng này làm tên công ty vì nó có khả năng nhìn với độ phân giải cực cao nhờ hàng ngàn ô giác mạc trong đôi mắt.

Được cả SEAL tin dùng

Startup công nghệ “mê hoặc” giới quân sự Mỹ, Ấn Độ ảnh 1

Hệ thống camera đa năng tầm nhiệt ELPEOS-MKII của Tonbo có thể tích hợp cho các súng tự động điều khiển từ xa trên các tàu chiến tối tân. Ảnh: Tonbo 

Công nghệ mà Tonbo đang phát triển tập trung vào ghi nhận hình ảnh, đặc biệt là hình ảnh nhiệt. Nó này cho phép nâng cao tầm nhìn trong điều kiện thiếu ánh sáng bằng cách sử dụng các tín hiệu nhiệt. Các sản phẩm camera nhìn đêm, hệ thống kiểm soát cháy nổ và máy bay không người lái dùng công nghệ tầm nhiệt đều được đánh giá cao. Nhờ vậy, kế từ khi thành lập vào năm 2008, Tonbo đã ký được hàng loạt hợp đồng quốc phòng với quân đội Ấn Độ. Hệ thống thu nhận và xử lý hình ảnh của Tonbo hiện đang được thử nghiệm cho mẫu xe tăng tối tân Arjun của Ấn Độ.

Startup này cũng nhận được sự tin tưởng của quân đội nước ngoài, đặc biệt là Bộ Quốc phòng Mỹ. Các đơn vị như đặc nhiệm SEAL, Không quân Mỹ và Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Mỹ đều sử dụng sản phẩm của Tonbo. Lucas Larry Arnold, một thiếu tướng không quân Mỹ đã về hưu, cho biết: “Hệ thống của họ dễ sử dụng như điện thoại thông minh vậy. Rất thân thiện với người dùng và dễ dàng tích hợp vào các hệ thống khác”.

Không ngừng phát triển

Startup công nghệ “mê hoặc” giới quân sự Mỹ, Ấn Độ ảnh 2

 Hiện Tonbo cũng đang hợp tác cùng hãng Uber để phát triển xe thông minh. Ảnh: Tonbo 

Tonbo cũng phát triển các hệ thống tầm nhìn phục vụ cho công nghệ xe tự lái. Các ứng dụng của Tonbo cho phép những chiếc xe thông minh có thể phát hiện ra các chướng ngại vật, chạy trong các địa hình sương mù, mưa bão và các loại thời tiết xấu khác. Hiện hãng Tesla Motors và Uber đã liên hệ chạy thử ứng dụng của Tonbo.

“Các camera được chúng tôi thiết kế cho phép người dùng đạt được tầm nhìn tốt hơn. Tất cả các camera của chính tôi đều được xây dựng trên nền tảng vi xử lý Qualcomm snapdragon. Nghĩa là, chúng tôi sử dụng chính con chip giúp cho điện thoại di động của các bạn hoạt động để vận hành những thiết bị nhìn đêm của chúng tôi”, CEO Lakshmikumar chia sẻ.

Theo The India Times, startup công nghệ của Ấn Độ chỉ tập trung phát triển phần lõi công nghệ của các sản phẩm. Những hoạt động khác không liên quan đến phần lõi, như sản xuất lắp ráp, đươc Tonbo liên hệ thuê ngoài. “Cách thức này cho phép sản phẩm của chúng tôi rẻ hơn những đối thủ theo đuổi sít sao nhất những 50% giá thành”, Lakshmikumar cho biết.

Vào năm 2013, Tonbo đã nhận được khoản vốn tài trợ 6,4 triệu USD từ quỹ Artiman Ventures của Mỹ. Hiện startup của Ấn Độ đang đàm phán để nhận thêm 30 triệu USD đầu tư từ các đối tác mới. Công ty chỉ có khoảng 100 nhân viên, làm việc tại 3 văn phòng Ấn Độ, Singapore và Mỹ. Sản phẩm của Tonbo đã được bán cho các đối tác từ hơn 25 quốc gia, với tổng giá trị các đơn hàng hiện đã hơn 300 triệu USD.

Tin bài liên quan