Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

S&P 500 lập kỷ lục mới, vàng tiếp tục tăng giá

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế của Mỹ vừa công bố tiếp tục yếu kém đã củng cố niềm tin cho nhà đầu tư về khả năng Fed sẽ lùi thời gian tăng lãi suất giúp phố Wall hồi phục cuối phiên, S&P 500 lên mức cao kỷ lục mới, trong khi vàng duy trì đà tăng để bỏ xa ngưỡng 1.200 USD/ounce.

Theo dữ liệu vừa công bố hôm thứ Sáu, sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng giảm 0,3%, do sự suy giảm trong sản xuất của các công ty khai thác mỏ và tiện tích. Trước đó, các nhà kinh tế đã dự báo tăng 0,1%.

Không chỉ sản lượng công nghiệp gây thất vọng, mà niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 5 cũng giảm hơn dự kiến và ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014.

Các dữ liệu này khiên các nhà kinh tế cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II và cả năm của Mỹ.

Trong phiên cuối tuần, chứng khoán mỹ chủ yếu dao động trong sắc đỏ, tuy nhiên sau dữ liệu yếu kém được công bố, niềm tin về khả năng Fed lùi thời gian tăng lãi suất càng gia tăng và qua đó giúp các chỉ số chính của phố Wall đảo chiều và có được sắc xanh nhạt vào cuối phiên và từng đó cũng đủ giúp S&P 500 lên mức cao lịch sử mới.

Kết thúc phiên 15/5, chỉ số Dow Jones tăng 20,32 điểm (+0,11%), lên 18.272,56 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,63 điểm (+0,08%), lên 2.122,73 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,50 điểm (-0,05%), xuống 5.048,29 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,45%, chỉ số S&P 500 tăng 0,31% và chỉ số Nasdaq tăng 0,89%. Đây là tuần tăng thứ 2 liên tiếp của phố Wall.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, bất chấp sự ổn định trở lại trên thị trường trái phiếu, tuy nhiên, do đồng euro tăng mạnh khiến chứng khoán châu Âu giảm điểm trở lại trong phiên cuối tuần và đánh dầu tuần giảm mạnh của các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán khu vực.

Kết thúc phiên 15/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 12,55 điểm (-0,18%), xuống 6.960,49 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 112,79 điểm (-0,98%), xuống 11.447,03 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 35,49 điểm (-0,71%), xuống 4.993,82 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,23%, chỉ số DAX giảm 2,25% và chỉ số CAC 40 giảm 1,9%.

Trong khi đó, khi những lo ngại về sự bất ổn trên thị trường trái phiếu qua đi, chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục trở lại. Chứng khoán Hồng Kông lại có phiên tăng rất mạnh, gần 2% với sự đột biến trong phiên giao dịch chiều khi giới đầu tư kỳ vọng kế hoạch đầu tư liên thông giữa sàn Hồng Kông và Thâm Quyến sẽ sớm được thông qua. Trong khi chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh, thì chứng khoán Trung Quốc đại lục lại giảm gần 1,6% trong phiên cuối tuần, nhưng điều đó chỉ làm hãm bớt đà tăng trong tuần của chỉ số Shanghai Composite.

Kết thúc phiên 15/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 162,88 điểm (+0,83%), lên 19.732,92 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 535,73 điểm (+1,96%), lên 27.822,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 69,62 điểm (-1,59%), xuống 4.308,69 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,83%, chỉ số Hang Seng tăng 0,89% và chỉ số Shanghai Composite tăng 2,44%.

Trong khi đó, dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém tiếp tục hỗ trợ cho vàng, giúp giá kim loại quý này tăng phiên thứ 3 liên tiếp trong tuần và bỏ xa dần ngưỡng 1.200 USD/ounce.

Kết thúc phiên 15/5, giá vàng giao ngay tăng 2,1 USD (+0,17%), lên 1.223,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 2,2 USD/ounce (-0,18%), xuống 1.223,0 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 3,03%, giá vàng tương lai giao tháng 6 cũng tăng 3,02%.

Trong cuộc khảo sát hàng tuần của Kitco, đa số các chuyên gia thị trường và nhà đầu tư đều dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới.

Cụ thể, 10/18 chuyên gia trả lời và 162/314 độc giả tham gia đánh giá trực tuyến đều dự báo giá vàng sẽ cao hơn tuần tới. Giá vàng được hưởng lợi từ việc đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/1.

Trên thị trường dầu mỏ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, OPEC đã tăng sản lượng ít nhất 2 triệu thùng/ngày. Trong khi Cơ quan Năng lượng của Mỹ (EIA) cho biết, khi dự dữ thế giới tăng 1,95 triệu thùng trong quý này.

Vào ngày thứ Sáu, số liệu cho thấy, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 8 trong tuần này, ít nhất kể từ tháng 12, sau khi sụt giảm hàng chục giàn trước đó.

Thông tin về sự gia tăng nguồn cung và kho dự trữ khiến giá dầu tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần, nhưng mức giảm rất khiêm tốn.

Kết thúc phiên 15/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,19 USD/thùng (-0,32%), xuống 59,69 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,02 USD (-0,03%), xuống 66,57 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,51%, trong khi giá dầu thô Brent tăng mạnh hơn với 1,80%.

Tin bài liên quan