George Soros đã kiếm lời lớn từ bán khống bảng Anh năm 1992. Ảnh: Australian

George Soros đã kiếm lời lớn từ bán khống bảng Anh năm 1992. Ảnh: Australian

Soros cảnh báo bảng Anh trượt giá

Tỷ phú đầu tư cho rằng việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) sẽ gây ra "những hậu quả nghiêm trọng" với cả việc làm và tài chính nước này.

Soros chính là người đã trở nên giàu có sau thương vụ bán khống đồng bảng Anh năm 1992 và kiếm được hơn một tỷ USD chỉ trong một ngày. Ngày này được gọi là Ngày thứ Tư Đen tối, khiến bảng Anh phải rút khỏi Cơ chế Tỷ giá Hối đoái Cố định châu Âu (ERM).

Tỷ phú cho rằng đồng tiền này sẽ mất giá ít nhất 15%, hoặc có thể hơn 20%, xuống dưới 1,15 USD một bảng. Tỷ giá hiện tại là 1,46 USD đổi một bảng Anh.

"Đồng bảng sẽ mất giá rất mạnh. Việc rời EU cũng sẽ có tác động ngay lập tức và rất mạnh lên các thị trường tài chính, đầu tư, giá cả và việc làm", tỷ phú cho biết.

Ông cảnh báo đợt mất giá này sẽ còn lớn và nghiêm trọng hơn đợt mất giá 15% hồi tháng 9/1992. Ông cho biết khi đó, mình đã "đủ may mắn để kiếm lời lớn". "Người dân Anh đang đánh giá thấp cái giá thực sự của việc rời đi. Quá nhiều người tin rằng rời EU sẽ không có ảnh hưởng lên tài chính của họ. Đây chỉ là suy nghĩ lạc quan cá nhân thôi", ông nói.

Ông cũng nghi ngờ khả năng Ngân hàng Trung ương Anh có thể phản ứng kịp thời trước một cuộc suy thoái, hoặc giá nhà lao dốc. Do rất nhiều công cụ tiền tệ đã được sử dụng để kéo Anh ra khỏi khủng hoảng tài chính 2008 rồi.

60 năm kinh nghiệm giúp Soros nhận ra người thắng cuộc duy nhất là những kẻ đầu cơ tài chính. "Ngày nay, lực lượng đầu cơ trên thị trường đã lớn và hùng mạnh hơn rất nhiều. Họ luôn nóng lòng tận dụng mọi tính toán sai lầm của Chính phủ và người dân Anh. Rời khỏi EU sẽ giúp một số người rất giàu có, nhưng đa phần người dân sẽ nghèo đi đáng kể", ông nói.

Dù vậy, nhóm vận động rời EU - Vote Leave không mấy tin tưởng vào những phán đoán của Soros. "Soros từ lâu đã là người ủng hộ việc bỏ đồng bảng và trao quyền kiểm soát cho EU nhiều hơn. Trước đây, ông ta từng nêu ra kịch bản u ám nếu Anh không dùng đồng euro. Ông ta đã sai, và bây giờ cũng vậy", Matthew Elliott - lãnh đạo Vote Leave cho biết.

Elliott khẳng định sau khi rời EU, họ có thể ký hiệp định thương mại tự do với khối này. Vì Anh không nhất thiết phải là thành viên EU mới có thể tự do giao thương với họ.

Ông cũng cho rằng bảng Anh hiện còn mạnh hơn thời điểm mới tuyên bố tổ chức trưng cầu dân ý. Vì thế, đồng bảng không có khả năng mất giá lớn. Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt của người Anh cũng sẽ không tăng, vì nước này không phải đóng góp tiền vào quỹ chung EU và có thể tự do chi cho các ưu tiên của mình.

Ý kiến của giới doanh nhân Anh cũng rất chia rẽ. Trong khi các lãnh đạo doanh nghiệp xe hơi và nhà sáng lập Virgin Group - Richard Branson hôm qua bày tỏ ý muốn ở lại, Lord Bamford - Chủ tịch JCB - một trong những hãng sản xuất thành công nhất tại Anh, lại muốn ra đi.

Tin bài liên quan