Câu chuyện gian lận khí thải của Volkswagen được ví như “chiếc mũi dài” của cậu bé người gỗ Pinocchio

Câu chuyện gian lận khí thải của Volkswagen được ví như “chiếc mũi dài” của cậu bé người gỗ Pinocchio

Scandal gian lận của Volkswagen và câu chuyện về CSR

(ĐTCK) Thứ Sáu (11/9/2015), bộ phận truyền thông của Tập đoàn Volkswagen (VW) tại Wolfsburg (Đức) gửi đi thông báo tới giới truyền thông toàn cầu: “VW một lần nữa xếp thứ nhất trong danh sách những nhà sản xuất ô tô phát triển bền vững”. 

Martin Winterkorn, Chủ tịch VW, ca ngợi toàn bộ đội ngũ nhân viên vì thành công khi đứng đầu Chỉ số Phát triển bền vững Dow Jones (DJSI) và nhấn mạnh việc Tập đoàn đạt điểm cao nhất về tư cách đạo đức, tuân thủ pháp luật, chiến lược môi trường và tái chế phù hợp.

Đúng 7 ngày sau, ngày 18/9/2015, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) tại Washington DC tổ chức họp báo khẩn cấp công bố thông tin có liên quan tới một nhà sản xuất xe hơi lớn. Theo đó, cơ quan này cáo buộc Volkswagen đã sử dụng trái phép một “thiết bị gian lận” nhằm vượt qua khâu kiểm tra khí thải của xe hơi ra môi trường trong 6 năm.

Đây là sự kiện bắt đầu tạo nên cơn bão lớn khuấy động toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, buộc Volkswagen sau đó phải thừa nhận có tới 11 triệu xe của hãng trên toàn cầu có thể đã được lắp thiết bị gian lận khí thải này. Đồng thời, vụ việc làm dấy lên câu hỏi của các thành viên thị trường về CSR - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững.

“Đây là dấu chấm hết của CSR. Hãy nhìn vào Báo cáo phát triển bền vững mới nhất của Volkswagen, đó chỉ là những tờ giấy bỏ đi. Nó chứng tỏ rằng, CSR chỉ là hành động gây tốn thời gian. Đã tới lúc chúng ta bắt đầu tái tập trung vào kinh doanh và bỏ qua mấy thứ như phát triển bền vững, vốn chỉ được dựng lên bằng PR”, không ít nhà đầu tư đã cay đắng nghĩ vậy. 

CSR là gì?

Thuật ngữ “phát triển bền vững” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1972 tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường sống ở Stockholm (Thụy Điển). Tuy nhiên, mãi đến năm 1987, mới có định nghĩa chính thức về phát triển bền vững do Ủy ban thế giới về Môi trường và phát triển đưa ra: “Phát triển có nghĩa là chỉ tập trung thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà không cam kết đảm bảo nguồn tài nguyên cho những thế hệ trong tương lai. Còn phát triển bền vững là không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội đơn thuần, mà còn cam kết, đảm bảo nhu cầu của những người nghèo và thừa nhận giới hạn về nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới”.

Liên quan tới phát triển bền vững, cụm từ CSR (Corporate Social Responsibility) – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, thường được nhắc đến. Vậy CSR là gì?

Theo Ủy ban Thương mại thế giới về phát triển bền vững, “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết liên tục của doanh nghiệp thông qua hoạt động kinh doanh bằng cách cư xử có đạo đức và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, trong khi cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ, cũng như cộng đồng địa phương và toàn xã hội nói chung. Doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là một tổ chức thu lợi nhuận, mà còn cần phải trở thành một phần của cộng đồng. Họ không chỉ thúc đẩy lợi ích của các cổ đông, mà còn hướng tới lợi ích của tất các những bên hữu quan (stakeholders)”.

Ngay sau khi vụ bê bối gian lận khí thải xảy ra, VW đã nhanh chóng bị xóa tên khỏi DJSI cũng như bảng danh sách các nhà sản xuất ô tô hàng đầu. Tuy nhiên, điều này không đủ sức làm dịu đi chỉ trích về toàn bộ quy trình xác định “giá trị” phát triển bền vững của Công ty, giấy xác nhận bảo hiểm do PwC cung cấp, cùng rất nhiều những xếp hạng, giải thưởng khác. Theo tờ Telegraph (Anh), CSR đang trở thành một “thủ đoạn nguy hiểm”, bởi “nó cho phép các công ty phô trương đức hạnh và vẻ bề ngoài hào nhoáng, trong khi xa rời các tiêu chuẩn quốc tế cơ bản”.

Ngay cả Huffington Post cũng cay đắng cho rằng: “người ta sẽ ngày càng thấy khó có thể tin nổi bất kỳ lời lẽ nào” trong các báo cáo phát triển bền vững. 

CSR – Thực chất hay chiêu trò?

Trong quãng thời gian sau khi gian lận của VW bị phanh phui, giới bình luận chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất cho rằng, đây chỉ là hành vi của một nhóm đơn lẻ, độc lập trong Tập đoàn, không phải hành động đồng nhất của một tập thể. Theo đó, chỉ cần bắt đi những “con sâu” này thì cả “cánh đồng” sẽ được cứu. Tuy nhiên, nhóm này nhanh chóng biến mất, nhường lại diễn đàn cho nhóm thứ hai.

Phần còn lại, bao gồm cả những người làm truyền thông, điều tra viên, chuyên gia kinh tế cho rằng, hệ thống gian lận khí thải này đã được sử dụng trong nhiều năm, có liên quan tới mọi cấp bậc trong tổ chức. Rất khó có chuyện chỉ một nhóm cá nhân độc lập tại VW có thể xây dựng hệ thống phần mềm, lắp đặt vào các sản phẩm và dễ dàng qua mặt khâu kiểm định ngay tại Công ty, cũng như giới chức nhiều quốc gia.

Thực tế, việc giá cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô khác cũng giảm mạnh sau scandal của VW cho thấy, nhà đầu tư không tin đây chỉ là hành động của một nhóm đơn lẻ tại VW, hay hành động mang tính độc lập của riêng công ty này.

Trớ trêu rằng, theo thông tin từ website của VW, trong năm 2015, có hơn 74.000 nhân viên Công ty đã trải qua khóa đào tạo về đạo đức nghề nghiệp. Khoảng 40% trong số đó học tại lớp học và phần còn lại học trực tuyến. Tổng thể, có hơn 185.000 nhân viên nhận được giấy chứng nhận đào tạo hợp lệ. Có hơn 1.700 cuộc kiểm tra được thực hiện tại các chi nhánh của VW trên toàn cầu, 140 vụ chống tham nhũng được tiến hành, 365 trường hợp điều tra gian lận được thực hiện và đã có 72 người bị sa thải trong những vụ điều tra này.

Trong trường hợp này, chúng ta có một câu hỏi hóc búa. Tiêu chuẩn đạo đức, trách nhiệm xã hội của VW đã được thiết lập. Các phương án kiểm tra, giám sát được tiến hành. Nhưng một trong những scadal lớn nhất của Công ty, thậm chí của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu vẫn không bị phát hiện. Rõ ràng, VW đã không đặt ra đúng câu hỏi và tìm ra đâu là vấn đề thực sự.

Vậy, bê bối của VW có đồng nghĩa với việc đã hết thời của CSR, của báo cáo phát triển bền vững? Các con số thực tế chính là câu trả lời chân thực nhất.

Ngay khi scandal của VW xuất hiện, cổ phiếu của Công ty đã giảm hơn 40%. Đây là hậu quả được tờ Economist miêu tả như là “một cơn đại hồng thủy”. Hơn 230 đơn kiện đã được gửi tới các tòa án trên toàn cầu và những yêu cầu bồi thường sẽ gây nên vết thương đau đớn trong nhiều năm. Tổng thể, một số chuyên gia nhận định, mức tổn thất mà VW phải chịu vào khoảng 33 tỷ USD. Trong khi đó, giám đốc điều hành của Công ty phải từ chức. Cơ quan điều tra tiến hành kiểm soát hoạt động sản xuất của VW và các thiệt hại không thể định lượng chính xác về thương hiệu, tên tuổi, mối quan hệ với giới chính trị, chính quyền, các nhóm hoạt động vì môi trường, cổ đông và người tiêu dùng.

Những con số này chính là câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp quan trọng? Bởi một doanh nghiệp thiếu trách nhiệm sẽ không thể nhận được sự ủng hộ của cổ đông, nhà đầu tư, người tiêu dùng và không thể phát triển.

Câu hỏi mà chúng ta cần phải hỏi là: Tại sao mọi người lại hiểu nhầm vấn đề này? Việc một công ty danh tiếng như VW gian lận, không đồng nghĩa với việc CSR đã không còn tồn tại. Thực tế, mọi hệ thống kiểm định, đánh giá chỉ có thể dựa trên những gì mà một công ty tình nguyện chia sẻ. Khi công ty đó lựa chọn ít công bố thông tin, hay tệ hơn, giả mạo thông tin, sẽ không có hệ thống kiểm định nào đủ sức mạnh để bóc trần được mọi sự lừa dối.

Scandal của VW sẽ là sự kiện mà EPA, Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ và các cơ quan quản lý khác phải nhắc tới trong nhiều năm. Theo eRevalue, VW là hồi chuông cảnh báo rằng, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, giới đầu tư cần có cái nhìn cẩn thận hơn vào báo cáo phát triển bền vững của các công ty.

Dù bài học rút ra sau vụ bê bối này là gì, rõ ràng, đây không phải là dấu chấm hết hay sự thất bại của CSR. Thay vào đó, nó chỉ cho chúng ta một bài học về sự khôn ngoan, đặc biệt với những ai đang thăm dò, lên kế hoạch, đánh giá các yếu tố phi tài chính tại doanh nghiệp. Đặc biệt, nó đòi hỏi một cách thức để các cá nhân, tổ chức bên ngoài có thể làm tốt hơn trong việc xác minh những thông tin mà doanh nghiệp công bố, để các thông tin đó không chỉ phản ánh giá trị bề mặt, mà thể hiện chính xác, cụ thể hơn bản chất bên trong.

Thực tế, việc nhà đầu tư từ bỏ cổ phiếu VW, khiến giá trị thương hiệu bị tổn hại trong nhiều năm cho thấy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp luôn là một yếu tố quan trọng trong mắt nhà đầu tư. Nó tăng cường yếu tố cơ bản của các chỉ số như DJSI rằng, việc thể hiện mạnh mẽ các chiến lược, giải pháp xã hội và môi trường sẽ dẫn tới sự gắn kết với nhà đầu tư trong dài hạn.

Câu chuyện về VW cũng là một gợi nhắc có ích rằng, không bao giờ có “khoảng trống” giữa hoạt động thực sự và truyền thông, bởi thời gian sẽ mang tới câu trả lời cho tất cả.

Phát triển bền vững và những giá trị trụ cột của nó cần được tập hợp đầy đủ, đúng đắn trong hoạt động kinh doanh. Nếu một công ty hoạt động trái với trách nhiệm xã hội, nhưng vẫn chưa bị vạch trần hay không điều chỉnh, công ty đó sẽ đối diện với những hậu quả khó lường ngay trên lĩnh vực tài chính, thứ mà họ bất chấp tất cả để đạt được.

Scandal VW cho thấy, không có gì sai khi tập trung vào bảng xếp hạng, báo cáo, họp báo hay các giải thưởng. Nhưng về cơ bản, kết quả và tác động của phát triển bền vững sẽ tạo nên, hoặc phá hủy đi giá trị của các cổ đông.

Tin bài liên quan