Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Scandal của Volkswagen kéo chứng khoán lao dốc

(ĐTCK) Chứng khoán Âu, Mỹ đồng loạt giảm mạnh phiên thứ Ba khi hoạt động bán tháo diễn ra với các cổ phiếu nguyên vật liệu và scandal liên quan đến việc lắp đặt bộ phận khí thải giảm của Volkswagen.

Sau khi hồi phục nhẹ trong phiên đầu tuần nhờ cổ phiếu Apple và năng lượng, phố Wall đã nhanh chóng gỉam mạnh trở lại trong phiên thứ Ba do hoạt động bán tháo ồ ạt diễn ra với nhóm cổ phiếu ngành nguyên vật liệu.

Lo lắng về việc tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc kéo dài đã đẩy giá các loại hàng hóa như đồng và kim loại công nghiệp xuống mức thấp. Qua đó đã làm cổ phiếu của các công ty thuộc ngành này bị lao dốc. Trong phiên thứ Ba, chỉ số S&P nguyên liệu giảm 1,8%, mức giảm mạnh nhất trong 10 chỉ số ngành của S&P.

Bên cạnh đó, việc hãng sản xuất xe hơi lớn nhất châu Âu của Đức là Volkswagen thừa nhận gian lận trong bài kiểm tra khí thải với xe diesel ở Mỹ cũng tạo ra đợt bán tháo cổ phiếu ô tô trên toàn cầu. Ngoài ra, các công ty cung cấp cho Volkswagen cũng chịu vạ lây với scandal này. Hàn Quốc cũng cho biết sẽ điều tra 3 mô hình động cơ của hãng sản xuất xe hơi của Đức này, trong khi các nhà lập pháp của Hạ viện Mỹ cũng đã lên kế hoạch tổ chức một buổi điều trần trong vài tuần tới.

Không chỉ nhóm cổ phiếu nguyên liệu và ô tô giảm mạnh, mà nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp sau khi ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton cho biết, sẽ đề xuất mức trần hàng tháng cho đơn thuốc là 250 USD.

Ngoài ra, những phát biểu gần đây của các quan chức Fed cũng khiến nỗi lo tăng lãi suất lại nổi lên sau khi tạm lắng sau cuộc họp tuần trước của cơ quan này.

Tất cả những thông tin trên đã khiến phố Wall giảm mạnh hơn 1% trong phiên thứ Ba, trong đó giảm mạnh nhất là Nasdaq với mức giảm 1,5%. Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng 11,4%, lên 22,44.

Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Dow Jones giảm 179,72 điểm (-1,09%), xuống 16.330,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 24,23 điểm (-1,23%), xuống 1.942,74 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 72,23 điểm (-1,5%), xuống 4.756,72 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, lo ngại kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm kéo dài và giá kim loại công nghiệp giảm mạnh đã khiến nhóm cổ phiếu khai mỏ lao dốc. Cùng với đó, scandal của Volkswagen cũng tạo thêm cú bồi, đẩy chứng khoán khu vực này lao mạnh hơn với mức giảm mạnh nhất là chỉ số DAX của Đức, giảm tới 3,8%.

Kết thúc phiên 22/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 172,87 (-2,83%), xuống 5.935,84 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 377,85 điểm (-3,80%), xuống 9.570,66 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 156,99 điểm (-3,42%), xuống 4.428,51 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục nghỉ giao dịch, thì chứng khoán Hồng Kông đã hồi phục nhẹ trở lại, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng tiếp tục tăng nhờ ảnh hưởng tích cực từ phiên giao dịch trước đó của chứng khoán Âu, Mỹ. Tuy nhiên, mức không lớn khi giới đầu tư đang hướng vào cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 39,65 điểm (+0,18%), lên 21.796,58 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 29,08 điểm (+0,92%), lên 3.185,62 điểm. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục nghỉ giao dịch.

Trên thị trường vàng, giá vàng tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong tuần khi lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất lại nổi lên sau những phát biểu gần đây của các quan chức Fed. Ngoài ra, việc đồng USD tăng lên mức cao nhất hơn 2 tuần cũng gây áp lực cho giá vàng.

Kết thúc phiên 22/9, giá vàng giao ngay giảm 8,7 USD (-0,77%), xuống 1.124,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 8 USD (-0,71%), xuống 1.124,8 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, sau phiên tăng mạnh đầu tuần nhờ thông tin Mỹ cắt giảm số lượng giàn khoan, đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Ba do đồng USD tăng mạnh và lo lắng về nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm kéo dài.

Kết thúc phiên 22/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,85 USD/thùng (-1,85%), xuống 45,83 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,16 USD (+0,33%), lên 49,08 USD/thùng.

Tin bài liên quan