Sau phiên hào hứng, chứng khoán lại đồng loạt lao dốc

Sau phiên hào hứng, chứng khoán lại đồng loạt lao dốc

(ĐTCK) Sau phiên hào hứng hôm thứ Tư nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng và sự trở lại của nhóm cổ phiếu công nghệ, chứng khoán Âu, Mỹ đã đồng loạt lao dốc trở lại trong phiên thứ Năm cũng do sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ.

Trong phiên thứ Tư, với thông tin Fed đồng ý kế hoạch của 34 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ về việc thêm tiền để mua cổ phiếu và trả cổ tức, nhóm ngân hàng đã tiếp tục khởi sắc, trong khi nhóm công nghệ cũng hồi phục sau chuỗi giảm trước đó, giúp phố Wall tăng điểm khá mạnh, trong đó Nasdaq có phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 7/11/2016.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch thứ Năm, mọi thứ thay đổi 180 độ một cách nhanh chóng. Nhóm cổ phiếu công nghệ nhanh chóng quay đầu giảm mạnh 1,8%, kéo các chỉ só chính của chứng khoán Mỹ sụt giảm theo, trong đó chỉ số S&P và Dow Jones có phiên giảm mạnh nhất 6 tuần, còn Nasdaq đã trả lại hết những gì đã có được trong phiên trước đó.

Thậm chí, nếu không có sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng và năng lượng, phố Wall còn giảm mạnh hơn nữa trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 29/6, chỉ số Dow Jones giảm 167,58 điểm (-0,78%), xuống 21.287,03 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,99 điểm (-0,86%), xuống 2.419,70 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 90,06 điểm (-1,44%), xuống 6.144,35 điểm.

Tương tự, đang giằng co nhẹ quanh tham chiếu, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt lao dốc khi chứng khoán Mỹ mở cửa với sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ, lan nhanh sang chứng khoán châu Âu.

Việc các ngân hàng trung ương phát tín hiệu sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ khiến nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất giảm mạnh, kéo chứng khoán châu Âu có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2017. Trong phiên thứ Năm, chứng khoán Đức và Pháp mất tới hơn 1,8%.

Kết thúc phiên 29/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 37,48 điểm (-0,51%), xuống 7.350,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 231,08 điểm (-1,83%), xuống 12.416,19 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 98,55 điểm (-1,88%), xuống 5.154,35 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, phiên khởi sắc hôm thứ Tư của phố Wall, giúp chứng khoán khu vực này đồng loạt đảo chiều tăng điểm trở lại. Nhóm cổ phiếu công nghệ, nguyên liệu và tài chính, ngân hàng là các nhân tố chính giúp chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên thứ Năm, đặc biệt là chứng khoán Hồng Kông bật tăng mạnh 1,1%.

Kết thúc phiên 29/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 89,89 điểm (+0,45%), lên 20.220,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 281,92 điểm (+1,10%), lên 25.965,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,86 điểm (+0,47), lên 3.188,06 điểm.

Trong phiên thứ Năm, đồng USD tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2016, nhưng giá vàng vẫn không thể tận dụng để duy trì đà tăng. Tình hình địa chính trị ổn định, cùng với dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương khiến giới đầu tư thận trọng với vàng, đẩy giá kim loại quý này đảo chiều giảm nhẹ trở lại, sau 2 phiên nhích bước trước đó.

Kết thúc phiên 29/6, giá vàng giao ngay giảm 3,4 USD (-0,27%), xuống 1.245,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 3,3 USD/ounce (-0,26%), xuống 1.245,8 USD/ounce.

Trong khi giá vàng và chứng khoán đồng loạt giảm, thì giá dầu thô lại có được phiên tăng thứ 6 liên tiếp nhờ đồng USD sụt giảm và sản lượng sản xuất hàng tuần của Mỹ bất ngờ sụt giảm, làm giảm bớt nỗi lo về dư cung.

Kết thúc phiên 29/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,19 USD/thùng (+0,42%), lên 44,93 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,11 USD (+0,23%), lên 47,42 USD/thùng. 

Tin bài liên quan