Phố Wall không thể duy trì phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall không thể duy trì phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp (Ảnh minh họa: AFP)

Sau Fed, giới đầu tư chờ đợi ECB

(ĐTCK) Sau khi hiệu ứng về khả năng Fed tăng lãi suất thấp đang dần được hấp thụ hết, giới đầu tư đang kỳ vọng, thị trường tài chính toàn cầu sẽ nhận được sự hỗ trợ từ việc ECB sẽ có thêm chương trình kích thích mới.

Phố Wall đóng cửa gần như không thay đổi trong phiên thứ Tư do tác động bởi các thông tin trái ngược. Khả năng Fed tăng lãi suất thấp tiếp tục hỗ trợ thị trường, nhưng sự sụt giảm mạnh của nhóm cổ phiếu thực phẩm sau dự báo kết quả kinh doanh đáng thất vọng của Sprouts Farmers Market khiến phố Wall không thể duy trì đà tăng.

Đóng cửa phiên thứ Tư, chỉ số Dow Jones và S&P 500 chỉ giảm nhẹ, trong khi Nasdaq nhích nhẹ, nhưng vẫn đủ để xác lập mức điểm cao kỷ lục mới.

Cổ phiếu Apple tăng nhẹ 0,6%, lên 108,36 USD/cổ phiếu sau sự kiện ra mắt iPhone 7 và 7plus.

Kết thúc phiên 7/9, chỉ số Dow Jones giảm 11,98 điểm (-0,06%), xuống 18.526,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,32 điểm (-0,01%), xuống 2.186,16 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 8,02 điểm (+0,15%), lên 5.283,93 điểm.

Trong khi phố Wall bị “mắc kẹt” ở mức tham chiếu do chịu các thông tin tác động trái chiều, thì chứng khoán châu Âu lại tăng điểm khá tốt trong phiên thứ Tư nhờ sự bứt phá của một số cổ phiếu sau khi được Morgan Stanley nâng hạng khuyến nghị. Ngoài ra, thông tin hỗ trợ quan trọng khác là kỳ vọng về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục có chính sách nới lỏng tiền tệ.

Kết thúc phiên 7/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 20,53 điểm (+0,30%), lên 6.846,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 65,84 điểm (+0,62%), lên 10.752,98 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 22,70 điểm (+0,61%), lên 4.557,66 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dữ liệu kinh tế của Mỹ kém đã khiến đồng USD giảm so với rổ tiền tệ chung cũng như so với đồng yên, khiến chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm trở lại. Chứng khoán Hồng Kông cũng điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ Tư sau chuỗi 4 phiên tăng mạnh liên tiếp với kỳ vọng dòng tiền lớn từ Trung Quốc đại lục chảy vào khi liên thông giữa sàn Thâm Quyến và Hồng Kông được thông qua.

Kết thúc phiên 7/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 69,54 điểm (-0,41%), xuống 17.012,44  điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 45,87 điểm (-0,19%), xuống 23.741,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 1,22 điểm (+0,04%), lên 3.091,93 điểm.

Trên thị trường vàng, áp lực chốt lời sau khi nhảy vọt lên mức cao nhất 3 tuần đã khiến giá vàng đảo chiều giảm nhẹ trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 7/9, giá vàng giao ngay giảm 4,4 USD (-0,33%), xuống 1.345,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,8 USD (-0,35%), xuống 1.349,2 USD/ounce.

Sau những phút do dự trong phiên thứ Ba khi không biết sự chắc chắn về thỏa thuận đóng băng sản lượng giữa Nga và Ả Rập Xê út, giá dầu đã tăng tốt trở lại trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư kỳ vọng sẽ có một thỏa thuận về đóng băng sản lượng chính thức được đưa ra tại cuộc gặp mặt giữa các nước thành viên OPEC và ngoài OPEC vào ngày 26 - 28 tới đây tại Algeria.

Kết thúc phiên 7/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,67 USD/thùng (+1,47%), lên 45,50 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,72 USD (+1,5%), lên 47,98 USD/thùng.

Tin bài liên quan