Phối cảnh Dự án Hinkley Point

Phối cảnh Dự án Hinkley Point

Quan hệ Anh - Trung Quốc: Khi thảm đỏ nhạt màu

(ĐTCK) Giới phân tích cho rằng, “tấm thảm đỏ” mà nước Anh trải ra nhằm mời gọi đầu tư từ Trung Quốc đang có dấu hiệu nhạt màu, khi đã xuất hiện những tranh cãi về dự án điện hạt nhân ở “đảo quốc sương mù” mà Bắc Kinh tài trợ.

Điều này cũng làm dấy lên những lo ngại về quan hệ ngoại giao và kinh tế song phương, vốn là một phần trong trọng tâm chính sách mà cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng theo đuổi.

Việc tân chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May thông báo sẽ dừng phê chuẩn và tiếp tục xem xét lại hai dự án điện hạt nhân sử dụng nguồn vốn Trung Quốc tại Hinkley Point đã đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai bên, mà trước đó là “mặn nồng”.

Mối quan hệ kinh tế giữa London - Bắc Kinh trở nên gắn kết, đặc biệt là sau làn sóng các nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào các công ty của Anh giai đoạn năm 2014 - 2015. Hàng loạt thương vụ đình đám đã được ký kết, trong đó đáng chú ý nhất là Hutchison Whampoa (Hong Kong) đồng ý mua lại nhà điều hành mạng di động O2 của Anh từ tay Telefonica, với giá 15,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, chuyến thăm Vương quốc Anh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hồi tháng 10/2015, gặp gỡ Nữ hoàng Anh và ghé thăm sân bóng của Câu lạc bộ Manchester City, là chất xúc tác gắn kết hơn nữa mối quan hệ song phương.

Theo giới quan sát, sau khi Thủ tướng Theresa May lên nắm quyền vào tháng trước, mối quan hệ này vẫn được “giữ lửa” phần nào, thậm chí, tân Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã thông báo bắt đầu thảo luận với Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại tự do mới. Hiệp định này, nếu đúng như kế hoạch, có thể trở thành một trong những thỏa thuận thương mại lớn nhất của Anh thời kỳ hậu Brexit (tức giai đoạn sau khi Anh ra khỏi Liên minh châu Âu), đồng thời cũng là lần đầu tiên Trung Quốc ký kết một thỏa thuận quy mô như vậy với một nước châu Âu.

Tuy nhiên, sau quyết định Hinkley Point, dấu hiệu đảo chiều trong “kỷ nguyên vàng” của quan hệ Anh - Trung Quốc đã xuất hiện. Bà May khẳng định Anh vẫn cởi mở với đầu tư nước ngoài, song vai trò của chính phủ với những lĩnh vực quan trọng là không thể bỏ qua. Nhiều trợ lý của bà May cũng từng bày tỏ lo ngại về những rủi ro an ninh, cũng như sự tham gia của Trung Quốc trong dự án Hinkley Point.

Thủ tướng May có thể cân nhắc những ý kiến đóng góp của Nick Timothy, một trong những đồng minh thân cận nhất của bà, về khả năng cho phép Trung Quốc tiếp cận các tài sản quốc gia nhạy cảm.

Trong một vài viết trên blog của Đảng Bảo thủ hồi năm ngoái, chính ông Timothy từng thể hiện quan điểm cảnh báo rằng, việc trải thảm đỏ mời gọi đầu tư từ Trung Quốc đang tạo ra những lo ngại về an ninh quốc phòng, khi các doanh nghiệp và tập đoàn quốc doanh Trung Quốc được phép tiếp cận các lĩnh vực nhạy cảm của Anh.

“Những lo ngại về an ninh quốc gia đã bị gạt sang một bên trước nhu cầu và mong muốn thu hút đầu tư và nguồn vốn quá lớn từ Trung Quốc”, ông Timothy khẳng định.

Chia sẻ về quan điểm trên, Vince Cable, cựu thư ký Nghiệp đoàn doanh nghiệp Anh, người từng cộng tác với bà May trong chính phủ liên minh Bảo thủ - Dân chủ tự do giai đoạn năm 2010 - 2015 cho biết, Thủ tướng May không hề vui vẻ với cách tiếp cận sốt sắng thái quá với khoản đầu tư từ Trung Quốc như chính phủ tiền nhiệm.

Bên cạnh nguyên nhân lo ngại về sự tham gia của đối tác Trung Quốc, chính phủ của bà Theresa May cũng muốn có thêm thời gian để cân nhắc về dự án rất tốn kém này.

Tuy nhiên, một nhà phân tích tại Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc vẫn giữ khá nhiều “lá bài chủ” trong cuộc chơi này. Họ có thể chờ đợi chính phủ Anh ra quyết định phê chuẩn cuối cùng, song sẽ không nhân nhượng trước các động thái đi ngược lại sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Tin bài liên quan